Tuesday, August 30, 2016

BÀI 3. SINH LÝ TẾ BÀO - TRAO ĐỔI CHẤT QUA MÀNG TẾ BÀO - ĐH Y HÀ NỘI (PGS.TS. Lê Thu Liên, PGS.BS. Trịnh Bỉnh Dy)


Link tải bản đọc đầy đủ:  
http://shink.in/KXJ9S
Mục tiêu học tập: Sau khi học xong bài này, sinh viên có khả năng:
1. Trình bày được sự khuếch tán qua màng tế bào.
2. Trình bày được các hình thức vận chuyển tích cực qua màng.
3. Trình bày được hình thức vận chuyển qua một lớp tế bào.
4.  Trình bày được hiện tượng thực bào, ẩm bào, tiêu hóa chất trong tế bào và xuất bào.

Cơ thể con người được cấu tạo từ muôn vàn tế bào. Tế bào là đơn vị cấu tạo và là đơn vị chức năng của cơ thể sinh vật cũng như  của cơ thể người. Cơ thể người có từ 75 đến 100 triệu triệu tế bào. Muốn hiểu chức năng sinh lý của các cơ quan trong cơ thể, trước hết cần tìm hiểu cấu trúc và chức năng của tế bào. Mọi hoạt động chức năng của cơ thể đều có cơ sở tại tế bào và các rối loạn chức năng cũng có cơ sở ở tế bào.
Tế bào có màng, bào tương, các bào quan và nhân.
Tế bào có những chức năng chủ yếu là:
- Thông tin: Tiếp nhận, xử lý và truyền tin.
- Vận chuyển vật chất qua màng tế bào.
- Tiêu hóa chất: Nhập bào, tiêu hóa và xuất bào.
- Tổng hợp protein: Tổng hợp protein và xuất bào.
- Sinh năng lượng.
Bài này tập trung vào hai vấn đề có ý nghĩa quan trọng đối với chức năng sinh lý của các cơ quan và của toàn cơ thể, đó là:
- Màng tế bào và chức năng vận chuyển vật chất qua màng.
- Hiện tượng nhập bào, tiêu hóa chất và xuất bào.
1. ĐẶC ĐIỂM CẤU TRÚC - CHỨC NĂNG CỦA MÀNG TẾ BÀO
Mỗi tế bào được bao bọc bởi  một màng bào tương (plasma membrane ), màng này ngăn cách  các thành  phần của tế bào với dịch ngoại bào. Màng tế bào có tính thấm chọn lọc cao, nó cho phép các chất dinh dưỡng đi vào tế bào và giải phóng các sản phẩm của tế bào ra ngoài. Nhờ tính thấm chọn lọc này mà thành phần các chất trong bào tương rất khác với thành phần của dịch ngoại bào. Tính thấm chọn lọc của màng phụ thuộc vào các cơ chế trao đổi chất qua màng tế bào. Mặt khác, trên bề mặt của màng tế bào có nhiều vị trí gắn kết với các chất hóa học đặc hiệu do các tế bào khác sản xuất, làm cho màng tế bào có vai trò quan trọng trong sự kết nối giữa các tế bào với nhau.
Màng là bao hàm cả màng bao bọc xung quanh tế bào và các màng bên trong tế bào, bao bọc nhân và các bào quan. Các loại màng này đều có những đặc điểm cấu trúc - chức năng giống nhau, đó là một cấu trúc mỏng, rất đàn hồi, dày từ 7,5 – 10 nm  (1nm =10-9 mét), được cấu tạo bởi các thành phần là protein, glucid và lipid, chủ yếu là protein và lipid  (hình 3.1).
Thành phần lipid chiếm gần 50% khối lượng màng. Thành  phần  protein cũng chiếm khoảng 50% khối lượng màng, dao động từ 18% ở màng tế bào Schwann (tế bào đệm của hệ thần kinh) tới 76% ở màng ty thể. Tỷ lệ giữa hai thành phần lipid và protein của màng tế bào phản ánh chức năng của tế bào. Ví dụ: Thành phần lipid cao  (82%) ở màng tế bào Schwann có myelin cho thấy vai trò của tế bào Schwann là bảo vệ chắc chắn và cách điện cho sợi trục của tế bào thần kinh. Thành phần protein cao ở màng ty thể (76%) cho thấy ty thể chứa đựng nhiều enzym và những protein sống khác phục vụ cho chức năng chuyển hóa năng lượng của cơ quan này.
Hình 3.1. Cấu trúc màng tế bào.
PX: Protein xuyên; PR:Protein rìa.

1.1. Lớp lipid kép của màng tế bào
Thành phần lipid tạo nên lớp lipid kép của màng tế bào. Lớp lipid kép có đặc điểm là rất mỏng, mềm mại, có thể uốn khúc, trượt đi trượt lại và dễ biến dạng.Tính chất mềm mại và dễ biến dạng làm cho nó có khả năng hòa màng. Hiện tượng hòa màng xảy ra ở cả màng tế bào và ở màng các bào quan, thường gặp trong qúa trình tạo ra các túi vận chuyển, túi tiêu hóa,túi thực bào... Lớp lipid kép là một lá mỡ mỏng liên tục bao quanh tế bào hoặc bào quan, bề dầy chỉ có hai phân tử là phospholipid và cholesterol. Phospholipid có hai đầu, một đầu là gốc phosphat ưa nước và một đầu là gốc acid béo kỵ nước. Cholesterol cũng có hai đầu, một đầu là gốc hydroxyl ưa nước và một đầu là nhân steroid kỵ nước. Đầu kỵ nước của hai phân tử này bị dịch gian bào và dịch nội bào đẩy, nên quay vào trong, gặp nhau, hấp dẫn nhau và nằm ở trung tâm của màng. Đầu ưa nước nằm ở hai phía của màng, tiếp xúc với dịch ngoại bào và dịch nội bào.
1.2. Các protein của màng tế bào
Protein là thành phần quan trọng của các màng sinh học. Các khối protein nằm xen giữa lớp lipid kép. Chúng thuộc loại protein dạng cầu hoặc có dạng chữ S, hầu hết có bản chất là glycoprotein. Có hai loại protein: (1) Protein trung tâm, nằm xuyên qua suốt chiều dày của màng tế bào, hai đầu thò ra hai bên màng.  (2) Protein ngoại vi, chỉ bám vào một phía của màng. Hai loại protein này có cấu tạo và chức năng khác nhau.
1.2.1. Protein xuyên: Protein xuyên thường có kích thước phân tử lớn. Có các loại protein xuyên là:
- Nhiều phân tử protein xuyên có các kênh  (các lỗ) xuyên suốt khối protein, qua các kênh này các chất tan trong nước, đặc biệt là các ion có thể khuếch tán qua lại  giữa dịch ngọai bào và dịch nội bào. Các kênh này có các cổng đóng và mở. Cổng của các kênh hoạt động có tính chọn lọc, cho phép một chất khuếch tán qua ưu tiên hơn chất khác. Có hai loại cổng: Một loại cổng đóng mở theo điện thế (voltage-gated) và một loại cổng đóng mở theo chất kết nối  (ligand-gated).
- Một số phân tử protein xuyên là protein mang (carrier) làm nhiệm vụ vận chuyển vật chất. Có những protein vận chuyển vật chất thuận chiều với bậc thang điện hóa, tức là đi từ nơi có nồng độ, áp suất, điện thế cao đến nơi có nồng độ, áp suất, điện thế thấp. Có những protein mang lại vận chuyển vật chất ngược chiều với bậc thang điện hóa, tức là vận chuyển vật chất từ  nơi có nồng độ, áp suất, điện thế thấp đến nơi có nồng độ, áp suất, điện thế cao. Có những protein mang chỉ vận chuyển một chất duy nhất (uniport), cũng có những protein mang lại vận chuyển được hai chất cùng một lúc theo cùng một chiều, gọi là đồng vận chuyển (symport) và cũng có protein mang vận chuyển hai chất cùng một lúc nhưng theo hai chiều đối ngược nhau, gọi là vận chuyển ngược (antiport).
- Một số phân tử protein xuyên có hoạt tính men.
1.2.2. Protein ngoại vi (protein rìa): Protein ngoại vi thường có phân tử nhỏ hơn protein xuyên, bám vào đầu phía trong của protein xuyên. Những phân tử protein ngoại vi có chức năng và hoạt tính hầu như hoàn toàn là men.
1.3. Những carbohydrat của màng tế bào
Thành phần glucid  (carbohydrate) chiếm khoảng 2% đến 10% khối lượng của màng. Tuy carbohydrat chiếm một tỷ lệ ít ở màng nhưng nó có chức năng quan trọng trong sinh lý màng tế bào. Hầu hết carbohydrat hoặc ở dạng kết hợp với protein  màng tạo thành  glycoprotein, hoặc kết hợp với lipid trong lớp lipid kép tạo thành glycolipid. Toàn bộ mặt ngoài của màng tế bào có một vỏ glucid lỏng lẻo, gọi là glycocalyx.
Chức năng của carbohydrat màng là:  (1) Tích điện  âm nên thường đẩy những vật tích điện  âm. (2) Lớp glycocalyx của tế bào này gắn với glycocalyx của tế bào khác làm cho các tế bào dính nhau. (3) Một số carbohydrat nằm trên bề mặt màng tế bào có tác dụng như receptor có khả năng gắn kết với những chất đặc hiệu như hormon. (4) Một số carbohydrat màng tham gia phản ứng miễn dịch.
2. CÁC HÌNH THỨC VẬN CHUYỂN VẬT CHẤT QUA MÀNG TẾ BÀO
Tế bào sống luôn luôn trao đổi vật chất với môi trường xung quanh nó là dịch ngoại bào.Thành phần của các chất trong dịch nội bào và dịch ngoại bào rất khác nhau. Ví dụ ở dịch ngoại bào có nồng độ các ion Na+, Ca2+, Cl-... cao hơn nhiều lần so với các ion này ở dịch nội bào, ngược lại ở dịch nội bào lại có nồng độ ion K+, phosphat, sulphat... cao hơn ở dịch ngoại bào. Sự khác biệt về nồng độ các chất ở dịch nội bào và dịch ngoại bào là rất quan trọng đối với sự sống của tế bào. Có sự khác biệt này là do các cơ chế vận chuyển vật chất qua màng tế bào tạo ra.
Các chất được vận chuyển hoặc qua lớp lipid kép hoặc qua thành phần protein của màng đều theo một trong hai qúa trình cơ bản là:  Khuếch tán thụ động và vận chuyển tích cực.
- Khuếch tán thụ động là hình thức vận chuyển vật chất thuận chiều bậc thang điện hóa  (electrochemical gradient), tức là vật chất đi từ nơi có nồng độ, áp suất, điện thế cao đến nơi  có nồng độ, áp suất, điện thế thấp. Quá trình chuyển động này nhờ năng lượng tự nhiên sẵn có của vận động động học của vật chất  (còn gọi là chuyển động nhiệt). Do không cần  năng lượng từ hóa năng (ATP) của tế bào nên hình thức vận chuyển này được coi là vận chuyển thụ động  (khuếch tán thụ động).
- Vận chuyển tích cực là hình thức vận chuyển các chất ngược chiều bậc thang điện hóa. Do vận chuyển vật chất ngược với bậc thang năng lượng  (ngược bậc thang điện hóa) nên  hình thức vận chuyển này nhất thiết phải sử dụng năng lượng từ bên ngoài và cần có chất mang  (protein mang).
2.1. Hình thức vận chuyển khuếch tán thụ động
Các phân tử, các hạt vật chất (có thể là ion, nước, chất tan trong nước, chất tan trong các dịch nội bào, ngoại bào, chất khí) chuyển động từ nơi có nồng độ cao đến nơi có nồng độ thấp hơn nhờ năng lượng của chuyển động nhiệt là hiện tượng khuếch tán thụ động.
Có hai hình thức khuếch tán thụ động là khuếch tán đơn thuần (simple diffusion) và khuếch tán  được thuận hóa  (facilitated diffusion), còn gọi là khuếch tán được tăng cường hay khuếch tán có gia tốc.
Trong khuếch tán đơn thuần, mức độ khuếch tán được xác định bởi số lượng chất được vận chuyển, tốc độ chuyển động nhiệt và số lượng các kênh protein trong màng tế bào.
Trong khuếch tán được thuận hoá cần phải có protein mang để gắn với các ion hoặc phân tử được vận chuyển và đưa chúng qua màng.
2.1.1. Khuếch tán đơn thuần qua lớp lipid kép
Yếu tố quan trọng nhất để một chất được vận chuyển qua lớp lipid kép của màng là độ hòa tan trong mỡ của chất đó.
- Các chất có bản chất là lipid được vận chuyển dễ dàng qua lớp lipid kép.
- Các chất không phải là lipid nhưng tan trong lipid (mỡ) cũng được vận chuyển qua lớp  lipid kép rất nhanh như khí oxy, nitơ, CO2, các vitamin tan trong dầu  (như vitamin A, D, E, K), rượu, cồn. Các chất này tiếp xúc với màng, chúng lập tức hòa tan vào thành phần lipid kép và tiếp tục khuếch tán qua màng.
Tốc độ khuếch tán qua màng của một chất tỷ lệ thuận với độ hòa tan của chất đó trong mỡ.
- Nước và các phân tử không tan trong lipid: Mặc dù nước không hòa tan...


Link tải để đọc bản đầy đủ: http://adf.ly/1fevrL

0 nhận xét:

Post a Comment