Tuesday, August 30, 2016

BÀI 14. SINH LÝ SINH DỤC VÀ SINH SẢN - ĐH Y HÀ NỘI (GS.TS. Phạm Thị Minh Đức)


LINK TẢI BẢN ĐỌC ĐẦY ĐỦ: http://shink.in/v2wFI
CÁCH DOWNLOAD: CLICK VÀO  LINK Ở TRÊN SAU ĐÓ CLICK VÀO Ô "TÔI KHÔNG PHẢI LÀ NGƯỜI MÁY" VÀ TRẢ LỜI 1 CÂU HỎI RỒI CHỜ 3s VÀ BẤM VÀO Ô "GET LINK" VÀI LẦN ĐỂ TẢI VỀ

Mục tiêu học tập: Sau khi học xong bài này, sinh viên có khả năng:
1.      Trình bày được chức năng ngoại tiết và nội tiết của tinh hoàn
2.      Trình bày được chức năng ngoại tiết và nội tiết của buồng trứng
3.      Trình bày được các giai đoạn của chu kỳ kinh nguyệt, cơ chế phóng noãn và cơ chế chảy máu
4.      Trình bày được các giai đoạn của thụ thai, mang thai và những thay đổi của bà mẹ đang mang thai
5.      Trình bày được các chức năng của rau thai
6.      Trình bày được hiện tượng sổ thai, bài tiết và bài xuất sữa
7.      Trình bày được nguyên nhân và những thay đổi trong giai đoạn dậy thì, mãn kinh
8.      Kể tên, nêu cơ chế tác dụng của các biện pháp tránh thai

Sinh sản là một chức năng rất quan trọng của sinh vật nói chung và con người nói riêng nhằm duy trì nòi giống. Ngoài mục đích này, hoạt động chức năng của hệ thống sinh sản còn nhằm thoả mãn nhu cầu tình dục của con người - một trong những nhu cầu cơ bản nhất liên quan đến chất lượng cuộc sống của con người. Sinh sản là một hoạt động chức năng phức tạp với sự phối hợp hoạt động giữa hệ thống sinh sản với các hệ thống chức năng khác của cơ thể và chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố nội tại cũng như môi trường bên ngoài.
Khái niệm sinh sản được đề cập đến trong bài này là sự hoạt động chức năng của các cơ quan, bộ phận thuộc hệ thống sinh sản nam và nữ dẫn tới sự sinh ra giao tử, kết hợp giữa giao tử đực (tinh hoàn) và cái (noãn) để tạo thành hợp tử rồi phát triển thành một cơ thể mới, cơ thể con. Để đảm bảo được chức năng sinh sản bình thường, cần có cấu trúc - chức năng bình thường của hệ thống sinh sản trong đó hai tuyến sinh dục nam (tinh hoàn) và nữ (buồng trứng) đóng vai trò rất quan trọng.

1. SINH LÝ SINH DỤC VÀ SINH SẢN NAM

1.1. Đặc điểm cấu tạo bộ máy sinh sản nam
Bộ máy sinh sản nam gồm dương vật, bìu trong có chứa tinh hoàn là tuyến sinh dục nam , ống dẫn tinh, túi tinh và một số tuyến sinh dục phụ như tuyến tiền liệt, tuyến hành niệu đạo (hình 14.1).
Tinh hoàn là một cơ quan nằm ngoài ổ bụng, nằm trong bìu. Mỗi cơ thể nam có hai tinh hoàn hình trứng có kích thước 4,5 x 2,5 cm. Ở cơ thể người lớn thể tích của tinh hoàn trung bình là 18,6 ± 4,8 ml.
Nếu bổ dọc tinh hoàn thì thấy mỗi tinh hoàn được chia thành nhiều thuỳ bằng các vách xơ. Trong mỗi thuỳ có nhiều ống nhỏ ngoằn ngoèo được gọi là ống sinh tinh, mỗi ống dài 5 m. Tiếp nối với ống sinh tinh là ống mào tinh dài 6m rồi đến ống dẫn tinh. Xen kẽ giữa các ống sinh tinh là các tế bào Leydig, chiếm khoảng 20% tổng khối lượng tinh hoàn (hình 14.2).

Hình 14.1. Cấu tạo bộ máy sinh dục nam

1.2. CHỨC NĂNG CỦA TINH HOÀN
            Tinh hoàn có 2 chức năng, chức năng ngoại tiết là sinh tinh trùng, chức năng nội tiết là bài tiết hormon sinh dục nam mà chủ yếu là testosteron.
            1.2.1. Chức năng sản sinh tinh trùng và các yếu tố ảnh hưởng
            Sự sản sinh tinh trùng xảy ra ở tất cả các ống sinh tinh trong suốt đời sống tình dục của nam giới. Dưới tác dụng của hormon hướng sinh dục của tuyến yên, khoảng 15 tuổi tinh hoàn bắt đầu sản sinh tinh trùng và chức năng này được duy trì suốt cuộc đời.
            1.2.1.1. Các giai đoạn của quá trình sản sinh tinh trùng
            Thành ống sinh tinh chứa một lượng tế bào biểu mô được gọi là tinh nguyên bào (spermatogonia). Những tế bào này nằm thành 2-3 lớp từ ngoài vào phía lòng ống (hình 14.2, 14.3). Các tinh nguyên bào được tăng sinh liên tục để bổ sung về số lượng vì một phần trong số chúng được biệt hoá qua nhiều giai đoạn để trở thành các tế bào tinh.
            - Ở giai đoạn đầu của quá trình sản sinh tinh trùng, những tinh nguyên bào nằm sát màng đáy được gọi là tinh nguyên bào A phân chia 4 lần thành tinh nguyên bào B.
                        - Sự phân chia giảm nhiễm
            Thời kỳ này kéo dài 24 ngày. Các tinh nguyên bào sau khi chui qua hàng rào để vào lớp tế bào Sertoli (hình 14.2) thì dần dần thay đổi và lớn lên tạo thành những tế bào lớn đó là tinh bào I. Tinh bào I qua hai lần phân chia giảm nhiễm để tạo thành tinh bào II rồi thành tiền tinh trùng mang một nửa bộ NST (22-X, 22-Y). Do sự phân chia giảm nhiễm nên có hai loại tinh trùng đó là tinh trùng mang NST giới tính là X và loại mang NST giới tính Y. Giới tính của con phụ thuộc bởi loại tinh trùng nào được thụ tinh với noãn.
Hình 14.2. Cấu tạo ống sinh tinh
Hình 14.3. Các tế bào dòng tinh
            - Sự phát triển của tiền tinh trùng sau sự phân chia giảm nhiễm.
            Trong vài tuần sau khi phân chia, tiền tinh trùng được nuôi dưỡng và thay đổi về chất dưới sự bao bọc của tế bào Sertoli để trở thành tinh trùng. Những sự thay đổi đó là:
            Mất một ít bào tương, tổ chức lại chromatin của nhân để tạo ra đầu tinh trùng; phần bào tương và màng tế bào còn lại thay đổi hình dạng để tạo thành đuôi tinh trùng. Tất cả các giai đoạn tạo thành tinh bào, tiền tinh trùng và tinh trùng đều xảy ra trong tế bào Sertoli. Chính tế bào Sertoli nuôi dưỡng, bảo vệ và kiểm soát quá trình sản sinh tinh trùng.
            Toàn bộ quá trình sản sinh tinh trùng từ tế bào mầm (tinh nguyên bào nguyên thuỷ) thành tinh trùng mất 64 ngày (hình 14.4).

Tinh nguyên bào (44-XY)
                         4 lần phân chia

Tinh bào I (44-XY)
             
                                                                                 phân chia giảm nhiễm 1
Tinh bào II                                  Tinh bào II
(22-X)                                           (22-Y)
phân chia giảm nhiễm 2

Tiền tinh trùng      Tiền tinh trùng                       Tiền tinh trùng      Tiền tinh trùng
                (22-X)                        (22-X)                                          (22-Y)                   (22-Y)
Tinh trùng             Tinh trùng                               Tinh trùng               Tinh trùng
Hình 14.4. Các giai đoạn sản sinh tinh trùng                     

            - Sự tạo thành tinh trùng
            Tiền tinh trùng được tạo thành đầu tiên vẫn mang những đặc tính của tế bào biểu mô. Nhưng ngay sau đó các tiền tinh trùng bắt đầu dài ra để trở thành tinh trùng gồm đầu, cổ, thân và đuôi (hình 14-5).
            Đầu được tạo thành từ nhân tế bào và chỉ có một lớp bào tương mỏng và màng tế bào bao quanh bề mặt. Phía trước đầu tinh trùng có một lớp dày lên gọi là cực đầu, bộ phận này đươc tạo thành chủ yếu từ bộ Golgi. Cấu trúc này chứa một lượng lớn enzym  giống các enzym trong bọc lysosom bao gồm hyaluronidase là enzym phân giải các sợi proteoglycan của mô và các enzym phân giải protein. Đây là những enzym quan trọng vì nhờ chúng mà tinh trùng có thể thụ tinh được với noãn.
            Đuôi của tinh trùng được gọi là lông roi (flagellum).
1.2.1.2. Sự thành thục của tinh trùng ở mào tinh hoàn
            Tinh trùng lấy từ ống sinh tinh hoặc phần đầu của mào tinh hoàn không có khả năng vận động và không thể thụ tinh với noãn. Sau khi tinh trùng ở trong mào tinh hoàn 18-24 giờ chúng sẽ có khả năng vận động mạnh mặc dù trong dịch mào tinh có những protein ức chế khả năng vận động cho đến khi chúng được phóng vào đường sinh dục nữ. Sau khi được tạo thành ở ống sinh tinh, tinh trùng cần một số ngày để di chuyển qua 6m chiều dài của ống mào tinh hoàn.
            Tinh trùng di chuyển được là nhờ sự di động của đuôi. Tinh trùng thường chuyển động theo đường thẳng với tốc độ 4mm/phút. Chính kiểu vận động này cho phép tinh trùng di chuyển qua đường sinh dục nữ để tiếp cận với noãn ở vòi trứng. Năng lượng cung cấp cho sự chuyển động này là lấy từ ATP được tổng hợp ở ty thể có nhiều ở phần thân của tinh trùng.
            1.2.1.3. Dự  trữ  tinh trùng
            Hai tinh hoàn của đàn ông trẻ có khả năng sinh sản khoảng 120 triệu tinh trùng mỗi ngày. Một lượng nhỏ được giữ trong mào tinh hoàn nhưng phần lớn tinh trùng được dự trữ ở ống dẫn tinh. Tại nơi dự trữ của chúng có thể duy trì khả năng thụ tinh trong khoảng thời gian tối thiểu là 1 tháng. Trong thời gian này tinh trùng được giữ ở trạng thái không hoạt động nhờ nhiều chất ức chế được bài tiết từ hệ thống ống. Ngược lại nếu hoạt động tình dục quá mức thời gian dự trữ không quá vài ngày.
            1.2.1.4. Điều hoà sản sinh tinh trùng
Inhibin là một hormon do tế bào Sertoli bài tiết có tác dụng điều hoà ngược âm tính đối với FSH do đó có tác dụng điều hoà sản sinh tinh trùng (xem mục 1.2.2.2).
1.2.1.5. Các yếu tố ảnh hưởng đến sản sinh tinh trùng
- Vai trò của hormon
 + GnRH của vùng dưới đồi tham gia điều hoà quá trình sản sinh tinh trùng thông qua các tác dụng bài tiết LH và FSH.
+ LH của tuyến yên kích thích tế bào Leydig ở khoảng kẽ của tinh hoàn bài tiết testosteron do đó có ảnh hưởng đến quá trình sản sinh tinh trùng.
+ FSH
  * Kích thích phát triển ống sinh tinh.
  * Kích thích tế bào Sertoli bài tiết dịch có chứa nhiều chất dinh dưỡng giúp cho tinh trùng thành thục.
  * Kích thích tế bào Sertoli bài tiết một loại protein gắn với androgen (ABP). Loại protein này gắn với testosteron và cả estrogen được tạo thành từ testosteron tại tế bào Sertoli dưới tác dụng kích thích của FSH rồi vận chuyển hai hormon này vào dịch lòng ống sinh tinh để giúp cho sự trưởng thành của tinh trùng.


+ GH kiểm soát các chức năng chuyển hoá của tinh hoàn và thúc đẩy sự phân chia các tinh nguyên bào. Ở người lùn tuyến yên, sự sản sinh tinh trùng giảm hoặc không xảy ra.
- Vai trò của các yếu tố khác
 + Nhiệt độ: Tinh trùng được tạo ra ở môi trường có nhiệt độ thấp hơn nhiệt độ cơ thể từ 1 - 2 độ. Cơ Dartos của bìu co giãn tùy thuộc nhiệt độ môi trường nhằm đảm  bảo nhiệt độ tối thuận cho sự sản sinh tinh trùng. Khi tinh hoàn không di chuyển từ ổ bụng xuống bìu các tế bào dòng tinh sẽ bị phá huỷ. Nhiệt độ trong đường sinh dục nữ cao hơn nhiệt độ ở bìu sẽ làm  tăng chuyển hoá và tăng hoạt động của tinh trùng. Ngược lại ở nhiệt độ thấp tinh trùng giảm chuyển hoá, giảm hoạt động do vậy để bảo quản tinh trùng người ta thường lưu trữ ở nhiệt độ rất thấp (-175°C).
+ Độ pH: Tinh trùng hoạt động mạnh ở môi trường trung tính hoặc hơi kiềm và ngược lại chúng giảm hoạt động ở môi trường acid. Trong môi trường acid mạnh chúng sẽ bị giết chết.
+ Kháng thể: Tinh trùng có thể bị tiêu diệt bởi kháng thể có trong máu và dịch thể. Nhờ có hàng rào của tế bào Sertoli mà kháng thể không thể xâm nhập được vào dịch của ống sinh tinh. Một số phụ nữ có kháng thể cố định tinh trùng nên rất dễ thụ thai. Một số khác lại có kháng thể tiêu diệt tinh trùng nên dễ dẫn tới vô sinh.
+ Rượu, ma tuý làm giảm khả năng sinh tinh trùng.
+ Tia X, phóng xạ hoặc virus quai bị làm tổn thương tế bào dòng tinh, do đó ảnh hưởng đến sự sản sinh tinh trùng.
+ Căng thẳng kéo dài cũng có thể là giảm sản sinh tinh trùng.
1.2.2. Chức năng nội tiết của tinh hoàn
Tinh hoàn bài tiết một số hormon sinh dục nam mà thường được gọi bằng một tên chung là androgen. Các hormon này bao gồm testosteron, dihydrotestosteron và androstenedion trong đó testosteron được coi là hormon quan trọng nhất của tinh hoàn. Ngoài ra tinh hoàn còn bài tiết một hormon quan trọng khác nữa đó là inhibin.
1.2.2.1. Testosteron
-  Nguồn gốc và bản chất hóa học
Testosteron do tế bào Leydig bài tiết. Testosteron là một hợp chất steroid có 19C được tổng hợp từ cholesterol hoặc acetyl-CoA.
- Vận chuyển và chuyển hoá testosteron
Sau khi được bài tiết từ tinh hoàn, khoảng 97% lượng testosteron gắn hoặc lỏng lẻo với albumin huyết tương hoặc chặt hơn với bêta globulin và lưu hành trong máu trong khoảng 30 phút đến 1giờ hoặc hơn. Trong thời gian này hoặc là chúng được vận chuyển đến mô đích hoặc bị thoái hoá trở thành dạng bất hoạt rồi được bài xuất ra khỏi cơ thể.
Nồng độ testosteron bình thường ở nam giới trưởng thành là 19,1 ± 5,5 mU/l và ở nữ giới là 1,23 ± 1 mU/l.
- Tác dụng của testosteron


+ Trong thời kỳ bào thai vào khoảng tuần thứ 7 tinh hoàn thai nhi bài tiết một lượng đáng kể testosteron. Tác dụng của testosteron trong thời kỳ bào thai là :
* Kích thích phát triển đường sinh dục ngoài của bào thai theo kiểu nam như tạo dương vật, tuyến tiền liệt, túi tinh, đường dẫn tinh.
* Kích thích đưa tinh hoàn từ bụng xuống bìu. Tinh hoàn thường được chuyển xuống bìu vào 2-3 tháng cuối thời kỳ có thai. Nếu không đủ lượng testosteron, tinh hoàn vẫn nằm ở ổ bụng sẽ khó sản sinh tinh trùng.
+ Làm xuất hiện và bảo tồn đặc tính sinh dục nam thứ phát kể từ tuổi dậy thì bao gồm phát triển dương vật, tuyến tiền liệt, túi tinh, đường dẫn tinh; mọc lông mu, lông nách, mọc râu; gây hói đầu; giọng nói trầm do thanh quản mở rộng; da dày thô; mọc trứng cá.
+ Kích thích sản sinh tinh trùng
* Testosteron kích thích sự hình thành tinh nguyên bào và kích thích sự phân chia giảm nhiễm lần thứ hai từ tinh nguyên bào II thành tiền tinh trùng.
* Testosteron kích thích sự tổng hợp protein và bài tiết dịch từ tế bào Sertoli.
+ Tác dụng lên chuyển hoá protein và cơ
            Một trong những đặc tính nam quan trọng nhất đó là khối cơ phát triển mạnh sau dậy thì. Dưới tác dụng của testosteron, khối cơ có thể tăng hơn 50% so với nữ giới. Ngoài cơ, ở những vị trí khác của cơ thể cũng có hiện tượng tăng lượng protein. Ví dụ tăng lắng đọng protein ở da làm cho da dày hơn, phì đại niêm mạc thanh quản, phì đại dây thanh âm làm giọng nói trầm hơn nữ. Tất cả những hiện tượng này đều liên quan đến tác dụng đồng hoá protein của testosteron.
            Chính do tác dụng đồng hoá protein đăc biệt ở cơ nên testosteron đã được một số vận động viên sử dụng để làm phát triển khối cơ bắp nhằm tăng thành tích thi đấu. Theo luật thi đấu hiện nay, viêc sử dụng testosteron hoặc các androgen tổng hợp được coi là sử dụng chất kích thích (doping), vi phạm luật thi đấu.
            Testosteron cũng được sử dụng cho người già như một hormon ‘‘cải lão hoàn đồng’’ để làm tăng sức mạnh của cơ.
            + Tác dụng lên xương
            * Làm tăng tổng hợp khung protein của xương.
* Phát triển và cốt hoá sụn liên hợp ở đầu xương dài.
* Làm dày xương.
* Tăng lắng đọng muối calci phosphat ở xương do đó làm tăng sức mạnh của xương.
* Đối với xương chậu testosteron có tác dụng đặc biệt đó là :
·      Làm hẹp đường kính khung chậu.
·      Tăng chiều dài của khung chậu làm cho khung chậu có hình ống khác với khung chậu mở rộng của nữ.
·      Làm tăng sức mạnh của khung chậu.
Do tác dụng làm tăng kích thước và sức mạnh của xương nên testosteron được dùng để điều trị loãng xương ở người đàn ông lớn tuổi.
 + Tác dụng lên chuyển hoá cơ sở
Với lượng testosteron được bài tiết hàng ngày ở tuổi thiếu niên và thanh niên, chuyển hoá cơ sở tăng từ 5-10% so với khi không có tác dụng của testosteron.
 + Các tác dụng khác
* Testosteron làm tăng số lượng hồng cầu trong 1mm3 máu khoảng 20%. Vì lý do này nên số lượng hồng cầu của nam thường cao hơn nữ khoảng 700.000 tế bào/mm3.
* Testosteron làm tăng nhẹ sự tái hấp thu ion natri ở ống lượn xa.
-  Điều hoà bài tiết testosteron
+ Thời kỳ bào thai : Testosteron được bài tiết dưới tác dụng kích thích của HCG là một hormon do rau thai bài tiết.
+ Thời kỳ trưởng thành : Testosteron được bài tiết dưới tác dụng kích thích của LH do tuyến yên bài tiết.
1.2.2.2. Inhibin
Inhibin là một hợp chất glycoprotein có trọng lượng phân tử 10.000 – 30.000 dalton, do tế bào Sertoli bài tiết.
Inhibin có tác dụng điều hoà quá trình sản sinh tinh trùng thông qua cơ chế điều hoà ngược đối với sự bài tiết FSH của tuyến yên. Tác dụng ức chế bài tiết FSH của inhibin mạnh hơn tác dụng ức chế bài tiết GnRH từ vùng dưới đồi.
Khi ống sinh tinh sản sinh quá nhiều tinh trùng tế bào Sertoli bài tiết inhibin. Dưới tác dụng ức chế của inhibin, lượng FSH được bài tiết từ tuyến yên giảm do đó làm giảm bớt quá trình sinh tinh trùng ở ống sinh tinh (hình 14.6).
Text Box: Hình 14.6. Sơ đồ điều hoà chức năng tinh hoàn

1.3. Chức năng của túi tinh
Trước đây người ta cho rằng túi tinh là nơi  chứa đựng tinh trùng. Thực ra cấu trúc của túi tinh là cấu trúc tuyến bài tiết.
Túi tinh là một ống khúc khuỷu chia ngăn, bên trong lót bởi một lớp tế bào biểu mô. Túi tinh bài tiết một chất dịch chứa nhiều fructose, acid citric, nhiều chất dinh dưỡng khác, fibrinogen, prostaglandin. Trong giai đoạn phóng tinh, túi tinh đổ dịch vào ống phóng tinh ngay sau khi tinh trùng được đổ vào từ ống dẫn tinh. Dịch của túi tinh chiếm 60% thể tích tinh dịch.
Dịch của túi tinh có những chức năng như sau:
- Đẩy tinh trùng ra khỏi ống phóng tinh.
- Cung cấp chất dinh dưỡng cho tinh trùng trong thời gian di chuyển ở đường sinh dục nữ cho đến khi thụ tinh với trứng.
- Prostaglandin trong túi tinh phản ứng với dịch cổ tử cung để làm tăng tiếp nhận tinh trùng đồng thời làm tăng co bóp tử cung và nhu động vòi trứng để đẩy tinh trùng về phía loa vòi trứng.
1.4. Chức năng của tuyến tiền liệt
Tuyến tiền liệt tiết dịch trắng, đục với pH khoảng 6,5 (kiềm hơn dịch âm đạo). Độ pH kiềm hơn của dịch tuyến tiền liệt đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ tinh trùng cho đến khi thụ tinh. Lượng dịch do tuyến tiền liệt bài tiết chiếm khoảng 30% thể tích dịch phóng ra trong mỗi lần giao hợp.
Dịch tuyến tiền liệt chứa nhiều acid citric, ion calci, nhiều loại enzym đông đặc và tiền fibrinolysin, prostaglandin.
Các enzym đông đặc của dịch tuyến tiền liệt sẽ tác dụng vào fibrinogen làm đông nhẹ tinh dịch ở đường sinh dục nữ do vậy có thể giữ tinh trung nằm sát cổ tử cung. Sau 15-30 phút tinh dịch lại được làm loãng trở lại nhờ enzym fibrinolysin  có trong dịch tuyến tiền liệt và tinh trùng hoạt động trở lại.
Prostaglandin của dịch tuyến tiền liệt cũng như của dịch túi tinh sẽ làm co cơ tử cung, tăng nhu động vòi trứng giúp tinh trùng di chuyển trong đường sinh dục nữ.
1.5. Tinh dịch
Tinh dịch là dịch được phóng ra khi giao hợp. Tinh dịch là một hỗn hợp dịch bao gồm dịch từ ống dẫn tinh (chiếm 10% tổng thể tích), dịch túi tinh (60%), dịch tuyến tiền liệt (30%) và một lượng nhỏ từ các tuyến niêm mạc đặc biệt là tuyến hành niệu đạo. Với một lượng lớn và lại được phóng ra cuối cùng, dịch túi tinh có tác dụng đẩy tinh trùng ra khỏi ống phóng tinh và niệu đạo. Độ pH trung bình của tinh dịch là 7,5. Với độ pH hơi kiềm này, tinh dịch sẽ trung hoà bớt tính acid  của dịch âm đạo, tạo môi trường thích hợp cho tinh trùng hoạt động.
Trong ống sinh tinh, tinh trùng có thể sống vài tuần nhưng khi đã được phóng  ra ngoài, sống tối đa chỉ từ 24-48 giờ. Với nhiệt độ thấp, chuyển hoá giảm nên thời gian sống của tinh trùng kéo dài hơn.
Để thăm dò chức năng bài tiết dịch, sản sinh tinh trùng người ta thường làm một xét nghiệm được gọi là tinh dịch đồ trong đó một số thông số thường được kiểm tra là: Thể tích tinh dịch được phóng ra một lần, số lượng tinh trùng, độ di động của tinh trùng, tỷ lệ tinh trùng còn sống, hình thái tinh trùng.
Kết quả nghiên cứu về tinh dịch đồ của người Việt Nam (nam giới ở ngoại thành Hà Nội) được trình bày ở bảng 14.1.
1.6. Giao hợp và phóng tinh
Dương vật có cấu trúc đặc biệt bao gồm hai thể hang và một thể xốp. Thể hang và thể xốp được cấu tạo bởi mô liên kết-cơ, chứa những hốc máu, những động mạch lò xo. Mô đặc biêt này được gọi là mô cương. Trong các tiểu động mạch cũng như  tĩnh mạch có các cấu trúc hãm tạo thành các van.
Lúc bình thường khi dương vật mềm, ở thể hang các hốc máu có hình chữ V, H, X, Y. Khi dương vật bị kích thích bởi các tác nhân cơ học (sờ, nắn, đụng chạm tại chỗ) hoặc bởi các yếu tố tâm lý (nghĩ, nghe, nhìn) thì khi đó sợi cơ trơn của các tiểu động mạch co lại, kéo các vòng chun giãn ra làm cho máu từ các tiểu động mạch tràn vào trong các hốc máu do vậy dương vật to, dài ra. Lúc này các bó cơ ở xung quanh hốc máu co lại ép chặt vào các tĩnh mạch. Những sợi chun không bị các bó sợi cơ dọc kéo nữa nên chúng sẽ co lại và bịt các tĩnh mạch lại. Máu trong các hốc máu không thoát đi đâu được, lại bị ép bởi các bó cơ nên dương vật cương lên và rất cứng.
Bảng 14.1. Tinh dịch đồ ở nam giới trưởng thành

Thông số đánh giá

18-35 tuổi
36-55 tuổi
WHO

Thể tích tinh dịch(ml)
pH
Mật độ tinh trùng(x106/ml)
Tỷ lệ tinh trùng sống (%)
Tỷ lệ tinh trùng khoẻ
Tỷ lệ tinh trùng bất thường
n
42
42
42
42
42
42
 ± SD
2,68
7,3 ± 0,8
89,4 ± 7,65
84,12 ± 9,44
50,16
14,16
n
64
64
64
64
64
64
 ± SD
2,24
7,6 ± 0,5
93,46 ± 14,29
81,95 ± 8,93
47,74
13,08

>2
7,2-8,0
>20
>75
>50
<30

Trong khi giao hợp, khi khoái cảm lên tới cực điểm thì có hiện tượng phóng tinh do các cơ ngồi hang và các cơ hành hang co thắt nhịp nhàng. Tinh dịch được phóng vào âm đạo. Khi các bó cơ giãn ra, máu thoát bằng đường tĩnh mạch, dương vật mềm trở lại.
Cương dương vật và phóng tinh được điều hoà bởi cơ chế phản xạ tuỷ mà trung tâm phản xạ nằm ở đoạn thắt lưng cùng. Cơ chế phản xạ này được khởi phát bằng các kích thích tâm lý truyền xuống từ não, hoặc kích thích vào các cơ quan sinh dục, nhưng thông thường thì phối hợp cả hai.
1.7. Dậy thì và suy giảm hoạt động tình dục nam
1.7.1. Dậy thì
- Dậy thì là thời kỳ có những biến động lớn về thể chất, tâm lý và đặc biệt là hoạt động chức năng của hệ thống sinh sản.
Ở trẻ trai, mốc để đánh dấu tuổi dậy thì bắt đầu đó là thể tích tinh hoàn tăng trên 4ml, còn mốc để đánh dấu tuổi dậy thì hoàn toàn  đó là lần xuất tinh đầu tiên. Tuy nhiên rất khó xác định chính xác về thời điểm xuất tinh lần đầu tiên vì các em thường ít để ý. Tuổi dậy thì hoàn toàn của nam thường vào khoảng từ 15-16  tuổi (trẻ em Việt Nam).
- Những biến đổi trong thời kỳ dậy thì
+ Vào thời kỳ này, dưới tác dụng của hormon sinh dục nam (testosteron) phối hợp cùng các hormon tăng trưởng khác (xem bài 13), cơ thể đứa trẻ phát triển nhanh, đặc biệt khối lượng cơ tăng nhanh.
+ Hoạt động chức năng của hệ thống sinh sản
Sau khi sinh, tuyến sinh dục nam (tinh hoàn) im lặng cho tới lúc này mới hoạt động. Tinh hoàn bắt đầu sản sinh tinh trùng và bài tiết testosteron. Dưới tác dụng của testosteron, cơ thể lớn nhanh và xuất hiện các đặc tính sinh dục nam thứ phát như dương vật to, túi tinh và tuyến tiền liệt phát triển, cơ nở nang, da thô dày, giọng nói trầm. Đứa trẻ bắt đầu có khả năng hoạt động tình dục và sinh sản.
- Cơ chế dậy thì
Trước kia người ta cho rằng dậy thì là thời điểm tinh hoàn “chín”. Sau này khi phát hiện ra các hormon hướng sinh dục của tuyến yên người ta lại cho rằng nguyên nhân của dậy thì là “sự chín” của tuyến yên. Ngày nay với thực nghiệm ghép tinh hoàn và tuyến yên của động vật non vào động vật trưởng thành người ta thấy cả hai tuyến đó đều có khả năng hoạt động như của động vật trưởng thành nếu có những kích thích phù hợp. Không những thế, ngay cả vùng dưới đồi cũng có khả năng bài tiết đủ lượng GnRH. Tuy nhiên trong thực tế cả ba vùng này đều không hoạt động trong suốt thời kỳ từ sau khi sinh đến trước tuổi dậy thì vì thiếu một tín hiệu kích thích đủ mạnh từ các trung tâm phía trên vùng dưới đồi, mà ngày nay người ta thường cho rằng  trung tâm đó chính là vùng limbic (hệ viền).
Như vậy, dậy thì chính là quá trình trưởng thành hay quá trình “chín” của vùng limbic. Khi vùng limbic trưởng thành, những tín hiệu xuất phát từ vùng limbic sẽ đủ mạnh để kích thích vùng dưới đồi bài tiết đủ lượng GnRH và phát động hoạt động chức năng của trục vùng dưới đồi-tuyến yên-tuyến sinh dục, gây ra hiện tượng dậy thì.
1.7.2. Suy giảm hoạt động tình dục nam
Kể từ tuổi dậy thì, hormon hướng sinh dục của tuyến yên được bài tiết liên tục trong suốt cuộc đời còn lại. Ở nam giới tuy không xuất hiện một giai đoạn suy giảm hoàn toàn chức năng tuyến sinh dục như ở nữ nhưng theo thời gian, tuổi càng cao hoạt động chức năng của tinh hoàn cũng suy giảm dần. Bắt đầu từ tuổi 40-50, sự bài tiết testosteron bắt đầu giảm  tuy tốc độ giảm rất chậm. Nhìn chung tuổi trung bình chấm dứt quan hệ tình dục là 68. Tuy nhiên có sự khác nhau rất lớn về nhu cầu tình dục giữa người này với người khác.
1.8. Rối loạn hoạt động chức năng sinh sản
1.8.1. Suy giảm chức năng sinh dục
- Suy giảm bẩm sinh: Nguyên nhân có thể là tinh hoàn không hoạt động ở thời kỳ bào thai hoặc không có các receptor tiếp nhận androgen ở các mô đích do rối loạn gien di truyền. Thiếu testosteron trong thời kỳ này dẫn đến rối loạn hình thành các cơ quan sinh dục phụ của nam. Thay thế vào đó các cơ quan sinh dục nữ sẽ được tạo thành.
- Suy giảm trước tuổi dậy thì: Mất tinh hoàn hoặc tinh hoàn không hoạt động ở thời kỳ này dẫn tới tình trạng không xuất hiện các đặc tính sinh dục nam thứ phát hay nói cách khác các đặc tính giới tính trẻ em sẽ tồn tại suốt đời.    Đứa trẻ bị mất tinh hoàn khi lớn lên thường cao hơn một chút so với người bình thường, xương mỏng, cơ không phát triển, cơ quan sinh dục giống của trẻ con, không mọc râu, giọng nói thanh và cao như nữ.
- Suy giảm sau tuổi dậy thì: Ít có những biến đổi về hình thể. Các cơ quan sinh dục có giảm kích thước nhưng không trở về tình trạng trẻ con. Ham muốn tình dục giảm nhưng không mất hoàn toàn. Vẫn có hiện tượng cương dương mặc dù khó khăn nhưng ít khi có hiện tượng phóng tinh vì các cơ quan tham gia bài tiết tinh dịch bị thoái hoá.
1.8.2. U tinh hoàn và cường sinh dục
- U tế bào Leydig: Trường hợp này rất hiếm gặp nhưng khi khối u loại này phát triển thì chúng bài tiết một lượng testosteron nhiều gấp 100 lần bình thường.
+ Nếu khối u phát triển ở trẻ em, cơ và xương của đứa trẻ phát triển nhanh nhưng xương cũng sớm cốt hoá do vậy lúc trưởng thành chúng thường thấp hơn so với bình thường. Các cơ quan sinh dục phát triển mạnh. Các đặc tính sinh dục thứ phát  xuất hiện sớm.
+ Nếu khối u xuất hiện ở nam giới tuổi trưởng thành thì khó chẩn đoán vì các đặc tính giới tính đã có.
- U tế bào mầm: U tế bào biểu mô mầm thường gặp hơn u tế bào Leydig. Do các tế bào biểu mô mầm có khả năng biệt hoá thành hầu hết các loại tế bào khác nên những khối u này có thể chứa nhiều loại mô như mô rau thai, tóc, răng, xương, da... Tất cả những mô này thường được hình thành cùng với nhau nên người ta thường gọi loại u này là u quái (teratoma).
Thường thì các loại khối u không bài tiết hormon. Tuy nhiên nếu khối u có chứa một lượng rau thai đáng kể chúng sẽ bài tiết một lượng lớn HCG, cũng như vậy estrogen cũng được bài tiết nhiều và gây ra chứng u to ở đàn ông.

2. SINH LÝ SINH DỤC VÀ SINH SẢN NỮ

2.1. Đặc điểm cấu trúc bộ máy sinh sản nữ

Các cơ quan chính của bộ máy sinh sản nữ bao gồm hai buồng trứng, hai vòi trứng, tử cung và âm đạo (hình 14.7, 14.8).

2.1.1. Buồng trứng
Mỗi người phụ nữ có 2 buồng trứng. Kích thước mỗi buồng trứng trưởng thành là      2,5 x 2 x 1 cm và nặng từ 4 - 8 gam, trọng lượng của chúng thay đổi trong chu kỳ kinh nguyệt.
Ở tuần thứ 30 của thai nhi, cả hai buồng trứng có khoảng 6.000.000 noãn nang nguyên thuỷ. Sau đó phần lớn chúng bị thoái hoá chỉ để còn lại khoảng 2.000.000 noãn nang vào lúc mới sinh và đến tuổi dậy thì chỉ còn khoảng 300.000 – 400.000 noãn nang. Trong suốt thời kỳ sinh sản của phụ nữ (khoảng 30 năm) chỉ có khoảng 400 nang này phát triển tới chín và xuất noãn hàng tháng. Số còn lại bị thoái hoá.     
     
Hình 14.8. Cấu tạo bộ phận sinh dục nữ (nhìn thẳng)

2.1.2. Tử cung
Tử cung là một cơ quan hình quả lê có kích thước 6 x 4 cm ở những phụ nữ chưa sinh đẻ và 7 - 8 x 5 cm ở những ở những phụ nữ đã sinh đẻ nhiều lần. Tử cung gồm hai phần là thân tử cung và cổ tử cung có một chỗ thắt được gọi là eo tử cung (hình 14.8).
Từ ngoài vào trong, thành tử cung được cấu tạo bởi 3 lớp là lớp vỏ ngoài, lớp cơ và lớp niêm mạc tử cung hay còn được gọi là nội mạc tử cung.
Cả lớp cơ và lớp niêm mạc của thân tử cung và cổ tử cung đều có những đặc điểm cấu trúc khác nhau.
Niêm mạc của thân tử cung là nơi chứa trứng thụ tinh  làm tổ và phát triển thành bào thai. Cấu trúc niêm mạc thân tử cung của các lứa tuổi khác nhau có những đặc điểm khác nhau.
Ở lứa tuổi hoạt động sinh dục, về hình thái học niêm mạc thân tử cung của phụ nữ được cấu tạo bởi hai lớp đó là lớp biểu mô và lớp đệm (hình 14.9).
- Lớp biểu mô
Lớp biểu mô phủ nội mạc thân tử cung là một lớp biểu mô đơn. Có những chỗ lớp biểu mô đơn lõm sâu xuống lớp đệm tạo ra các tuyến của niêm mạc thân tử cung           (hình 14.9). Những tuyến này có sự biến đổi về hình thái và chức năng trong chu kỳ kinh nguyệt (CKKN).
- Lớp đệm
Lớp đệm là lớp giàu tế bào liên kết. Lớp đệm chứa nhiều tuyến của niêm mạc tử cung. Trong lớp đệm còn có nhiều tế bào lympho có vai trò quan trọng trong các phản ứng miễn dịch có liên quan đến khả năng sinh đẻ. Trong lớp đệm cũng có rất nhiều mạch máu (động mạch, tĩnh mạch, mao mạch, bạch mạch).

 
Hình 14.9. Cấu tạo niêm mạc thân tử cung ở giai đoạn tăng sinh

Về phương diện chức năng, ở những người trong độ tuổi sinh đẻ, niêm  mạc thân tử cung có 2 lớp biến đổi khác nhau trong CKKN.
- Lớp nền : Lớp này nằm sát cơ tử cung, ít có những biến đổi về cấu tạo trong CKKN.
- Lớp chức năng : Lớp chức năng là một lớp dày, nằm sát khoang tử cung. Chiều dày và cấu tạo của lớp này biến đổi mạnh theo từng giai đoạn của CKKN. Trong cơ thể đây là mô duy nhất luôn biến đổi và biến đổi có chu kỳ hàng tháng.
2.2. Các hormon của buồng trứng
Hai hormon chính của buồng trứng là estrogen và progesteron. Ngoài ra hoàng thể còn bài tiết một hormon khác nữa đó là inhibin.
2.2.1. Estrogen
2.2.1.1. Bản chất hoá học
Ở phụ nữ bình thường không có thai, estrogen được bài tiết chủ yếu ở buồng trứng, chỉ một lượng rất nhỏ do tuyến vỏ thượng thận bài tiết. Khi có thai, rau thai bài tiết một lượng lớn estrogen. Ở buồng trứng, estrogen do các tế bào hạt của lớp áo trong của nang noãn bài tiết trong nửa đầu CKKN và nửa sau do hoàng thể bài tiết.
Có 3 loại estrogen có mặt với một lượng đáng kể trong huyết tương đó là b - estradiol, estron và estriol trong đó chủ yếu là b - estradiol. Buồng trứng cũng bài tiết estron nhưng chỉ với một lượng nhỏ. Hầu hết estron được hình thành ở mô đích từ nguồn androgen do vỏ thượng thận và lớp áo của nang trứng bài tiết.
Tác dụng của b - estradiol mạnh gấp 12 lần estron  và gấp 80 lần estriol vì vậy b - estradiol được coi là hormon chủ yếu.
Cả 3 loại estrogen đều là hợp chất steroid và được tổng hợp ở buồng trứng từ cholesterol và cũng có thể từ acetyl coenzym A.


2.2.1.2. Vận chuyển và thoái hoá
Trong máu estrogen gắn lỏng lẻo chủ yếu với albumin của huyết tương và globulin gắn đặc hiệu với estrogen. Máu sẽ vận chuyển và giải phóng estrogen cho mô đích trong khoảng thời gian 30 phút.
Tại gan estrogen sẽ kết hợp với glucuronid và sulphat thành những hợp chất bài tiết theo đường mật (khoảng 1/5 tổng lượng) và theo đường nước tiểu (khoảng 4/5). Gan cũng có tác dụng chuyển dạng estrogen mạnh là estradiol và estrol thành dạng estriol  yếu. Do vậy nếu chức năng gan yếu, hoạt tính estrogen sẽ tăng và đôi khi có thể gây ra cường estrogen.
2.2.1.3. Tác dụng của estrogen
- Làm xuất hiện và bảo tồn đặc tính sinh dục nữ thứ phát kể từ tuổi dậy thì bao gồm phát triển các cơ quan sinh dục, phát triển lớp mỡ dưới da, giọng nói trong, dáng mềm mại...
- Tác dụng lên tử cung
+ Làm tăng kích thước tử cung ở tuổi dậy thì và khi có thai.
+ Kích thích phân chia lớp nền là lớp tái tạo ra lớp chức năng trong nửa đầu của CKKN.
 + Tăng tạo các mạch máu mới ở lớp chức năng và làm cho các mạch máu này trở thành các động mạch xoắn cung cấp máu cho lớp niêm mạc chức năng. Tăng lưu lượng máu đến lớp niêm mạc chức năng.
 + Kích thích sự phát triển các tuyến niêm  mạc. Tăng tạo glycogen chứa trong tuyến nhưng không bài tiết.
  + Tăng khối lượng tử cung, tăng hàm lượng actin và myosin trong cơ đặc biệt trong thời kỳ có thai.
  + Tăng co bóp tử cung. Tăng tính nhạy cảm của cơ tử cung với oxytocin.
- Tác dụng lên cổ tử cung
Dưới tác dụng của estrogen, các tế bào biểu mô của niêm mạc cổ tử cung bài tiết một lớp dịch nhày loãng, mỏng. Dịch này có thể kéo thành sợi dài khi được đặt vào lam kính. Khi để khô trên lam kính, dịch cổ tử cung có hiện tượng tinh thể hoá và soi lam kính hiển vi thấy hình ảnh ‘‘dương xỉ’’
- Tác dụng lên vòi trứng
  + Làm tăng sinh mô tuyến của niêm mạc ống dẫn trứng.
  + Làm tăng sinh các tế bào biểu mô lông rung.
  + Làm tăng hoạt động của các tế bào biểu mô lông rung theo một chiều, hướng về phía tử cung.
            Tất cả các tác dụng của estrogen lên ống dẫn trứng đều nhằm giúp trứng đã thụ tinh di chuyển dễ dàng vào tử cung.
- Tác dụng lên âm đạo
  + Estrogen làm thay đổi biểu mô âm đạo từ dạng khối thành biểu mô tầng. Cấu trúc biểu mô tầng này vững chắc hơn do vậy tăng khả năng chống đỡ với các chấn thương và nhiễm khuẩn.
  + Kích thích các tuyến của âm đạo bài tiết dịch acid.
- Tác dụng lên tuyến vú
  + Phát triển hệ thống ống tuyến
  + Phát triển mô đệm ở vú
  + Tăng lắng đọng mỡ ở vú
- Tác dụng lên chuyển hoá
  + Làm tăng tổng hợp protein ở các mô đích như tử cung, tuyến vú, xương.
  + Làm tăng nhẹ quá trình sinh tổng hợp protein của toàn cơ thể.
  + Tăng lắng đọng mỡ ở dưới da đặc biệt ở ngực, mông, đùi để tạo dáng nữ.
  + Tăng nhẹ tốc độ chuyển hoá, tác dụng này chỉ bằng 1/3 tác dụng của testosteron.
- Tác dụng lên xương
  + Tăng hoạt động của tế bào tạo xương (osteoblast). Vì vậy vào tuổi dậy thì tốc độ phát triển cơ thể tăng nhanh.
  + Kích thích gắn đầu xương vào thân xương. Tác dụng này của estrogen mạnh hơn nhiều so với testosteron nên phụ nữ thường ngừng cao sớm hơn nam vài năm.
  + Tăng lắng đọng muối calci-phosphat ở xương. Tác dụng này cũng yếu hơn testosteron.
  + Làm nở rộng xương chậu.
Do những tác dụng kể trên, nếu thiếu estrogen (ở người già) sẽ gây hiện tượng loãng xương. Khi thiếu estrogen sẽ gây ra những hiện tượng sau đây :
·      Giảm hoạt động của các tế bào tạo xương
·      Giảm khung protein ở xương
·      Giảm lắng đọng calci và phosphat ở xương
Kết quả là xương dễ biến dạng và dễ gãy. Vị trí dễ gãy là cột sống.
- Tác dụng lên chuyển hoá muối nước
Do cấu tạo hoá học của estrogen cũng giống như aldosteron và các hormon vỏ thượng thận khác nên estrogen cũng có tác dụng giữ ion natri và tăng giữ nước. Tuy nhiên ở những người phụ nữ bình thường. Tác dụng này rất yếu trừ khi có thai.
2.2.1.4. Điều hoà bài tiết
Nồng độ estrogen trong huyết tương của phụ nữ bình thường là 158,74 – 268,73 pmol/l ở nửa đầu của CKKN; 236,1 – 325,69 pmol/l ở nửa sau của CKKN và nồng độ cao nhất vào giữa CKKN (ngày thứ 15,09 ± 2,93) là 725,18 – 925,28 pmol/l.
Estrogen bài tiết nhiều hay ít tùy thuộc vào nồng độ LH của tuyến yên. Nồng độ LH tăng sẽ kích thích các tế bào của lớp áo trong nang trứng bài tiết estrogen. Ngược lại nồng độ của LH giảm thì estrogen cũng được bài tiết ít.
2.2.2. Progesteron
2.2.2.1. Bản chất hoá học
Ở phụ nữ không có thai, progesteron được bài tiết chủ yếu từ hoàng thể trong nửa sau của CKKN. Ở nửa đầu của CKKN noãn nang và tuyến vỏ thượng thận chỉ bài tiết một lượng rất nhỏ progesteron.
Cũng như estrogen, progesteron cũng là một hợp chất steroid được tổng hợp từ cholesterol hoặc acetyl-coenzym A.
2.2.2.2. Vận chuyển và chuyển hoá
Progesteron được vận chuyển trong máu dưới dạng gắn với albumin huyết tương và các globulin đặc hiệu với progesteron. Vài phút sau khi được bài tiết, hầu như tất cả progesteron được thoái hoá thành các steroid khác không có tác dụng của progresteron. Gan là cơ quan tham gia vào quá trình chuyển hoá này. Sản phẩm chuyển hoá cuối cùng được đào thải ra nước tiểu. 
2.2.2.3. Tác dụng của progesteron
 - Tác dụng lên tử cung
+ Tác dụng quan trọng nhất của progesteron là kích thích sự bài tiết ở niêm mạc tử cung vào nửa sau của CKKN. Dưới tác dụng của progesteron, niêm mạc tử cung của lớp chức năng được tăng sinh do tác dụng của estrogen nay được biến đổi trở thành cấu trúc có khả năng bài tiết. Các tuyến của niêm mạc tử cung dài ra, cuộn lại cong queo và bài tiết glycogen. Tác dụng này có ý nghĩa quan trọng là chuẩn bị niêm mạc tử cung ở trạng thái sẵn sàng đón trứng đã thụ tinh vào làm tổ.
+ Làm giảm co bóp cơ tử cung do đó ngăn cản việc đẩy trứng đã thụ tinh ra ngoài và tạo môi trường yên ổn cho bào thai phát triển.
 - Tác dụng lên cổ tử cung
Progesteron kích thích các tế bào tuyến niêm mạc tử cung bài tiết một lớp dịch nhày, quánh, dày. Tính chất quánh đặc của dịch tử cung cùng với sự vắng mặt của hình ảnh ‘‘dương xỉ’’ là những bằng chứng cho biết hiện tượng phóng noãn và giai đoạn hoàng thể đã xảy ra.
- Tác dụng lên vòi trứng
Progesteron kích thích niêm  mạc vòi trứng bài tiết dịch chứa chất dinh dưỡng để nuôi dưỡng trứng đã thụ tinh thực hiện quá trình phân chia trong khi di chuyển vào buồng tử cung.
- Tác dụng lên tuyến vú
  + Làm phát triển thuỳ tuyến
  + Kích thích các tế bào bọc tuyến vú tăng sinh, to lên và trở nên có khả năng bài tiết.
- Tác dụng lên thân nhiệt
Progesteron làm tăng nhiệt độ của cơ thể do vậy ở nửa sau CKKN thân nhiệt của phụ nữ thường cao hơn nửa đầu từ 0,3 – 0,5°C.
Cơ chế làm tăng thân nhiệt của progesteron vẫn chưa rõ. Tuy nhiên có ý kiến cho rằng có lẽ progesteron tác dụng lên trung tâm điều nhiệt của vùng dưới đồi.
2.2.2.4. Điều hoà bài tiết
            Ở nửa đầu CKKN, nồng độ progesteron trong huyết tương rất thấp, chỉ vào khoảng 2,228 – 2,720 nmol/l, nửa sau CKKN khoảng 7,89 – 13,27 nmol/l.
            Sự bài tiết của progesteron chịu ảnh hưởng điều khiển trực tiếp của hormon LH do tuyến yên bài tiết. Nếu nồng độ LH tăng trong máu, hoàng thể sẽ được nuôi dưỡng và sẽ bài tiết nhiều progesteron. Ngược lại nếu tuyến yên bài tiết ít LH, hoàng thể sẽ bị thoái hoá và progesteron sẽ được bài tiết ít.
2.2.3. Rối loạn bài tiết hormon buồng trứng
2.2.3.1. Nhược năng
- Rối loạn bài tiết hormon có thể do thiếu buồng trứng, hoặc buồng trứng không bình thường từ lúc bẩm sinh dẫn tới thiếu hệ thống enzym tổng hợp estrogen ở các tế bào bài tiết. Khi thiếu buồng trứng bẩm sinh hoặc buồng trứng trở nên không hoạt động lúc dậy thì, các đặc tính sinh dục thứ phát không xuất hiện, các cơ quan sinh dục vẫn mang đặc tính trẻ con. Một đặc điểm quan trọng của trường hợp này là sẽ kéo dài thời gian phát triển của các xương dài vì đầu xương không gắn vào thân xương đúng tuổi như những đứa trẻ vị thành niên bình thường. Do vậy đứa trẻ gái này sẽ có cùng chiều cao hoặc cao hơn trẻ trai cùng tuổi.
- Rối loạn bài tiết hormon do buồng trứng bị cắt bỏ ở phụ nữ.
            Ở người phụ nữ bị cắt bỏ hai buồng trứng, các cơ quan sinh dục hầu như bị nhỏ lại giống trẻ con. Âm đạo hẹp hơn, biểu mô âm đạo trở nên mỏng và ít tiết dịch hơn do đó dễ bị chấn thương và nhiễm khuẩn. Ngực teo nhẽo, lông mu thưa. Những thay đổi này giống những phụ nữ mãn kinh.
2.2.3.2. Ưu năng
Sự bài tiết quá nhiều hormon buồng trứng ít gặp trên lâm sàng vì khi estrogen được bài tiết quá nhiều sẽ ức chế tuyến yên làm giảm bài tiết FSH và LH, do đó lượng hormon sinh dục được điều hoà trở lại bình thường.
Tăng bài tiết hormon sinh dục trên lâm sàng chỉ gặp trong trường hợp u buồng trứng. Tuy nhiên u tế bào hạt lại ít khi xảy ra, nếu có thì thường xuất hiện ở phụ nữ mãn kinh hơn.
Khi có khối u ở tế bào hạt, một lượng lớn estrogen được bài tiết vào máu gây tăng sinh nội mạc tử cung. Do vậy trên thực tế lâm sàng, chảy máu là hiện tượng đầu tiên và duy nhất để chẩn đoán khối u buồng trứng (u tế bào hạt).
2.3. Chu kỳ kinh nguyệt
2.3.1. Định nghĩa
Chu kỳ kinh nguyệt là sự biến đổi về cấu trúc, chức năng của niêm mạc tử cung dẫn tới sự chảy máu có chu kỳ ở niêm mạc tử cung dưới tác dụng của các hormon tuyến yên và buồng trứng.
            Độ dài của chu kỳ kinh nguyệt được tính bằng khoảng thời gian giữa hai ngày chảy máu đầu tiên của hai chu kỳ kế tiếp nhau. Ở phụ nữ Việt Nam độ dài CKKN là 28-30 ngày.
1.3.2. Các giai đoạn của chu kỳ kinh nguyệt
Sự biến đổi ở niêm mạc tử cung hàng tháng trải qua hai giai đoạn, đó là giai đoạn tăng sinh và giai đoạn bài tiết (hình 14.11) và kinh nguyệt là kết quả của hai giai đoạn biến đổi này.
Có mối liên quan chặt chẽ giữa tuyến yên, buồng trứng và niêm mạc tử cung ở từng giai đoạn. Mối liên quan này được thể hiện bằng sự chỉ huy của các tuyến nội tiết trung ương đến tuyến đích ngoại biên rồi đến mô đích (niêm mạc tử cung) và có tác dụng điều hoà ngược từ tuyến ngoại biên đến tuyến chỉ huy trung ương. Do vậy rối loạn hoạt động của trục tuyến yên-buồng trứng sẽ dẫn đến rối loạn kinh nguyệt (thiếu kinh, đa kinh, vô kinh).
2.3.2.1. Giai đoạn tăng sinh (Giai đoạn estrogen)
- Bài tiết  hormon và biến đổi ở buồng trứng.
Cuối chu kỳ trước, do nồng độ hai hormon buồng trứng là progesteron và estrogen giảm đột ngột tạo ra cơ chế điều hoà ngược âm tính nên tuyến yên tăng bài tiết FSH và LH dưới sự chỉ huy của GnRH.
Nồng độ hai hormon lúc đầu chỉ hơi tăng sau đó tăng dần đạt tới mức trung bình là 1,45 – 2,33 UI/l (FSH) và 3,94 – 7,66 UI/l (LH) trong đó FSH tăng trước và LH tăng sau đó vài ngày.
Dưới tác dụng của FSH và LH, đặc biệt là FSH, ở buồng trứng có từ 6-12 noãn nang nguyên thuỷ phát triển. Tác dụng đầu tiên là tăng sinh tế bào hạt. Sau đó tạo ra lớp vỏ của noãn nang. Lớp này được chia thành hai lớp là lớp áo trong và lớp áo ngoài. Lớp áo trong có những tế bào biểu mô cấu tạo giống tế bào hạt có khả năng bài tiết hormon. Lớp áo ngoài có nhiều mạch máu.
Sau vài ngày phát triển, dưới tác dụng của LH các tế bào lớp áo trong bắt đầu bài tiết dịch nang. Thành phần rất quan trọng của dịch nang là estrogen. Lượng dịch được bài tiết tăng dần và tạo ra một hốc nằm giữa các tế bào hạt. Đồng thời với sự tăng kích thước của nang, noãn tự nó cũng lớn nhanh từ 3-4 lần. Dịch trong hốc nang tăng dần và đẩy noãn cùng một số tế bào hạt về một cực của nang để tạo ra gò trứng.
- Biến đổi ở niêm mạc tử cung
Sau hành kinh, niêm mạc tử cung chỉ còn lại một lớp mỏng của mô đệm và sót lại một số tế bào biểu mô nằm tại đáy các tuyến. Dưới tác dụng của estrogen, các tế bào mô đệm và tế bào biểu mô tăng sinh nhanh chóng. Bề mặt của niêm mạc tử cung được biểu mô hoá hoàn toàn trong vòng từ 4-7 ngày sau hành kinh. Niêm mạc dày dần, các tuyến dài, mạch máu phát triển. Đến cuối giai đoạn này niêm mac tử cung dày khoảng 3- 4 mm. Các tuyến của cổ tử cung bài tiết một lớp dịch nhày kéo thành sợi dọc theo tử cung. Lớp dịch này tạo thành kênh dẫn tinh trùng di chuyển vào cổ tử cung.
- Hiện tượng phóng noãn
Sau khoảng 7-8 ngày phát triển, có một nang bắt đầu phát triển nhanh, số nang còn lại thoái triển dần. Tại nang phát triển nhanh, kích thước nang tăng lên, lượng estrogen được bài tiết cũng nhiều hơn hẳn các nang khác.
Cuối giai đoạn tăng sinh, nồng độ estrogen tăng cao đã gây ra tác dụng điều hoà ngược dương tính đối với tuyến yên và làm tăng bài tiết cả FSH và LH.
Dưới tác dụng của FSH và LH, các tế bào hạt và tế bào lớp áo trong tăng sinh mạnh đồng thời bài tiết estrogen do vậy càng làm tăng kích thước của nang. Ở thời điểm phóng noãn đường kính nang đạt tới 1 - 1,5 cm và người ta gọi là noãn nang chín. LH của tuyến yên rất cần thiết cho giai đoạn phát triển tới chín của nang và cho sự phóng noãn.
Khoảng 2 ngày trước khi phóng noãn, lượng LH được bài tiết từ tuyến yên tăng và đột ngột tăng lên 6-10 lần và đạt tới mức cao nhất vào thời điểm 16 giờ trước khi phóng noãn. Nồng độ FSH cũng tăng  khoảng 2-3 lần. Hai hormon này tác dụng phối hợp làm cho noãn nang căng phồng lên. Đồng thời LH kích thích các tế bào hạt và tế bào lớp áo trong tăng bài tiết progesteron. Mức bài tiết estrogen bắt đầu giảm trước khi phóng noãn một ngày trong khi đó mức bài tiết progesteron lại bắt đầu tăng dần. Kết quả khảo sát trên thực nghiệm cũng như trên lâm sàng cho thấy rằng nếu không có đỉnh LH sẽ  không có hiện tượng rụng trứng.
Vài giờ trước khi phóng noãn, có hai hiện tượng đồng thời xảy ra dưới tác dụng của progesteron là:
+ Các tế bào lớp ngoài của nang trứng giải phóng các enzym tiêu protein từ các bọc lysosom. Dưới tác dụng của enzym này, thành nang bị phá huỷ trở nên mỏng và yếu hơn.
+ Tăng sinh các mạch máu ở thành nang đồng thời tại đây prostaglandin cũng được bài tiết. Dưới tác dụng của prostaglandin các mao mạch giãn ra tăng tính thấm làm cho huyết tương thấm vào trong nang.
Cả hai tác dụng trên đều làm cho nang căng phồng trong khi thành nang lại mỏng, yếu vì vậy nang sẽ vỡ ra và giải phóng noãn ra khỏi nang trứng (hình 14.10). Hiện tượng phóng noãn thường xảy ra vào thời điểm 13-14 ngày trước khi có kinh lần sau. Thông thường mỗi chu kỳ chỉ có một nang trứng vỡ và xuất noãn ở cả hai buồng trứng.
LH

Progesteron

Enzym phân giải protein                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                          Xung huyết nang
          (Collagenase)                          (Bài tiết prostaglandin)

              Thành nang yếu                         Thấm huyết tương vào nang

Thoái hóa thành                            Nang phồng căng
                                     tại gò trứng

      Vỡ nang

Text Box: Hình 14.10. Cơ chế phóng noãn        Phóng noãn


1.3.2.2. Giai đoạn bài tiết (Giai đoạn progesteron)
- Bài tiết hormon và biến đổi ở buồng trứng
Sau khi phóng noãn, tuyến yên vẫn tiếp tục bài tiết FSH và LH. Dưới tác dụng của LH, một ít tế bào hạt còn lại ở vỏ nang vỡ được biến đổi nhanh chóng để trở thành các tế bào hoàng thể. Các tế bào hạt này trương to gấp hai lần chứa đầy hạt mỡ trong bào tương và có màu vàng nhạt. Các tế bào hạt này tăng sinh, tạo thành một khối vây quanh cục máu đông. Nang trứng vỡ lúc này như một cấu trúc màu vàng (nhìn buồng trứng tươi, không nhuộm) nên được gọi là hoàng thể.
Các tế bào hoàng thể dưới tác dung kích thích của LH đã bài tiết một lượng lớn progesteron và estrogen đồng thời mạch máu phát triển mạnh trong hoàng thể. Sau khi phóng noãn 7-8 ngày, hoàng thể có đường kính xấp xỉ 1,5 cm. Sau đó hoàng thể bắt đầu giảm dần chức năng bài tiết.
- Biến đổi của niêm mạc tử cung
Trong giai đoạn này estrogen vẫn tiếp tục làm tăng sinh lớp niêm mạc tử cung nhưng tác dụng này yếu hơn nhiều so với progesteron.
Dưới tác dụng của progesteron, niêm mạc tử cung dày nhanh và bài tiết dịch. Các tuyến càng dài ra, cong queo, chứa đầy các chất tiết. Bào tương của các tế bào đệm tăng lên, lắng đọng nhiều lipid và glycogen. Các mạch máu phát triển, trở nên xoắn lại và cung cấp máu cho niêm mạc tử cung cũng tăng lên. Một tuần sau phóng noãn, niêm mạc tử cung dày tới 5-6 mm.
Mục đích của tất cả các thay đổi trên là tạo ra kiểu niêm mạc tử cung chứa đầy chất dinh dưỡng để cung cấp cho trứng đã thụ tinh khi được di chuyển vào buồng tử cung. Chất dịch bài tiết từ niêm mạc tử cung được gọi là ‘‘sữa tử cung’’.
- Hiện tượng kinh nguyệt
Khoảng 2 ngày cuối cùng của chu kỳ, hoàng thể đột nhiên bị thoái hoá. Nồng độ estrogen và progesteron đột ngột giảm xuống mức rất thấp. Kinh nguyệt được gây ra do sự giảm đột ngột hai hormon sinh dục nữ, đặc biệt là progesteron.
Do nồng độ hai hormon giảm, niêm mạc tử cung bị thoái hoá tới 65% chiều dày. Các động mạch xoắn co thắt do tác dụng của các sản phẩm bài tiết từ niêm mạc bị thoái hoá mà một trong những sản phẩm đó là prostaglandin. Một mặt do các động mạch nuôi dưỡng lớp niêm mạc chức năng bị co thắt gây tình trạng thiếu máu, mặt khác do thiếu tác dụng kích thích của hai hormon nên lớp niêm mạc này bắt đầu hoại tử đặc biệt là các mạch máu. Kết quả của những biến đổi này là mạch máu bị tổn thương và máu chảy đọng lại dưới lớp niêm mạc chức năng. Vùng chảy máu lan rộng nhanh trong 34-36 giờ. Tiếp theo đó lớp niêm mạc bị hoại tử sẽ tách khỏi tử cung ở những vùng chảy máu. Sau khoảng 48 giờ kể từ khi xảy ra hiện tượng chảy máu, toàn bộ lớp niêm mạc chức năng bong ra.
Khối mô bị bong ra và dịch máu trong khoang tử cung cộng với tác dụng co cơ tử cung của prostaglandin sẽ được đẩy ra ngoài qua âm đạo.
Lượng máu trung bình trong mỗi chu kỳ là 38,13 ± 24,76 ml. Máu kinh nguyệt là máu không đông. Trong trường hợp cường kinh, do hiện tượng bong niêm  mạc và chảy máu xảy ra quá nhanh nên trong kinh nguyệt có thể có những cục máu đông.
Thời gian chảy máu trung bình mỗi chu kỳ là 3-5 ngày. Sau khi ngừng chảy máu, niêm mạc lại được tái tạo dưới tác dụng của estrogen được bài tiết từ các nang trứng phát triển ở buồng trứng trong chu kỳ mới.
Hình 14.11. Diễn biến của hormon, buồng trứng trong CKKN

2.4. Dậy thì và mãn kinh
1.4.1.  Dậy thì
Cũng như nam giới, sau khi sinh buồng trứng không hoạt động cho tới khi nhận được những kích thích phù hợp từ tuyến yên. Hai buồng trứng bắt đầu hoạt động, thể hiện bằng hoạt động sinh giao tử và bài tiết hormon sinh dục nữ dẫn đến những thay đổi về thể chất, tâm lý, sự trưởng thành và hoàn thiện về chức năng sinh dục. Thời kỳ phát triển và trưởng thành này được gọi là dậy thì.
- Những biến đổi về cơ thể
Trong thời kỳ này cơ thể các em gái phát triển nhanh về chiều cao cũng như trọng lượng. Cơ thể trở nên cân đối, mềm mại, thân hình có đường cong do lớp mỡ dưới da phát triển đặc biệt ở một số vùng như ngực, mông, khung chậu nở rộng hơn.
- Xuất hiện một số đặc tính sinh dục thứ phát
Hệ thống lông mu, lông nách phát triển. Giọng nói trong hơn. Tâm lý cũng có những biểu hiện như hay tư lự và thường ít nghịch ngợm hơn, ý tứ hơn trong cách cư xử...
- Hoạt động của tuyến sinh dục
  + Chức năng sinh giao tử của buồng trứng bắt đầu hoạt động. Hàng tháng dưới tác dụng của hormon tuyến yên, các noãn nang nguyên thuỷ phát triển, có khả năng tiến tới chín và phóng noãn. Như vậy từ thời kỳ này các em gái bắt đầu có khả năng sinh con. Tuy nhiên vì chức năng của các cơ quan thuộc hệ thống sinh sản chưa phát triển thành thục nên chưa đủ khả năng mang thai, nuôi con vì vậy cần tư vấn cho các thiếu nữ cách quan hệ với các bạn khác giới, cách phòng tránh thai, cách phòng tránh các bệnh lây nhiễm theo con đường tình dục.
  + Chức năng nội tiết của buồng trứng
Song song với khả năng sinh giao tử, buồng trứng bắt đầu bài tiết estrogen và progesteron. Dưới tác dụng của hai hormon này, chuyển hoá của cơ thể sẽ tăng mạnh, cơ thể phát triển nhanh, các cơ quan sinh dục như tử cung, vòi trứng, âm đạo, âm hộ, tuyến vú đều phát triển cả về kích thước và chức năng. Một dấu hiệu đặc biệt quan trọng đánh dấu thiếu nữ đã dậy thì đó là xuất hiện kinh nguyệt hàng tháng.
Tất cả những biến đổi về thể chất, tâm lý và hoạt động của hệ thống sinh sản đều do tác dụng của các hormon hướng sinh dục của tuyến yên và các hormon của buồng trứng. Các dấu hiệu dậy thì ở nữ thường thể hiện rõ rệt hơn ở nam giới.
- Thời gian xuất hiện dậy thì
Tuổi dậy thì không phải là một thời điểm mà là một khoảng thời gian. Khoảng thời gian này có thể thay đổi theo từng cá thể nhưng thường kéo dài 3-4 năm.
Thời điểm bắt đầu dậy thì ở nữ thường được đánh dấu bằng biểu hiện tuyến vú bắt đầu phát triển. Ở Việt Nam, thời điểm này thường từ 8-10 tuổi.
Thời điểm dậy thì hoàn toàn được đánh dấu bằng lần có kinh đầu tiên, ở Việt Nam vào khoảng 13-14 tuổi.
- Cơ chế dậy thì (xem mục 1.7.1).
2.4.2. Mãn kinh
Ở người phụ nữ vào khoảng 40-50 tuổi, các noãn nang của buồng trứng trở nên không đáp ứng với kích thích của hormon tuyến yên. Quá trình này xảy ra từ từ dẫn đến giảm chức năng buồng trứng. Biểu hiện của sự suy giảm này là chu kỳ kinh nguyệt và chu kỳ phóng noãn trở nên không đều. Sau vài tháng đến vài năm  các chu kỳ buồng trứng, chu kỳ niêm mạc tử cung ngừng hoạt động, người phụ nữ hết kinh, không phóng noãn, nồng độ các hormon sinh dục nữ giảm đến mức thấp nhất. Hiện tượng này gọi là mãn kinh.
- Nguyên nhân của mãn kinh
Mãn kinh là do sự kiệt quệ của buồng trứng ở vào khoảng tuổi quanh 45, ở buồng trứng số nang noãn có khả năng đáp ứng với tác dụng kích thích của FSH và LH còn rất ít vì vậy lượng estrogen giảm dần đến mức thấp nhất. Với lượng estrogen này thì không đủ để tạo cơ chế điều hoà ngược dương tính kích thích phóng noãn.
- Biểu hiện của thời kỳ mãn kinh
Tất cả những biểu hiện thường gặp trong thời kỳ mãn kinh chủ yếu là do giảm nồng độ estrogen gây ra. Các biểu hiện thường gặp là:
  + Buồng trứng teo nhỏ, thoái hoá.
  + Không có kinh nguyệt.
  + Cơ quan sinh dục như tử cung, cổ tử cung teo nhỏ.
  + Teo bộ phận sinh duc ngoài: Âm đạo, âm hộ teo. Thành âm đạo mỏng, hẹp, ngắn, kém đàn hồi hơn, ít tiết dịch hơn và pH của dịch ít acid hơn do vậy dễ chấn thương, dễ nhiễm khuẩn, giao hợp khó và đau do âm đạo bị khô.
  + Vú trở nên phẳng và nhẽo do teo các mô đệm và ống dẫn sữa.
  + Giảm mô mỡ ở vùng xương mu, lông thưa hơn.
  + Có những biến đổi về hình thể như dáng người không nhanh nhẹn, lớp  mỡ dưới da phát triển mạnh ở vùng bụng làm tỷ lệ vòng eo/mông tăng. Có thể mọc lông ở cằm và trên môi.
  + Có những biến đổi về mặt tâm lý: Tính tình dễ thay đổi, hay buồn bực cáu gắt... những thay đổi này sẽ mất đi sau một thời gian.
  + Có những cơn bốc nóng lên mặt hoặc vã mồ hôi vào ban đêm do rối loạn thần kinh tự chủ.
Trong thời kỳ này, do giảm lượng estrogen nên người phụ nữ dễ mắc một số bệnh như loãng xương, viêm âm đạo, viêm bàng quang, xơ vữa động mạch.
Ở Việt Nam tuổi mãn kinh của phụ nữ là 49,3 ± 3,2 tuổi.         
2.5. Thụ thai, mang thai
Ngay trước khi noãn bào I được giải phóng ra khỏi nang noãn, nhân của nó được phân chia giảm nhiễm, cực đầu thứ nhất được tách khỏi nhân. Sau đó noãn bào I trở thành noãn bào II chỉ còn lại 23 NST. Một trong 23 NST của noãn bào II là NST X. Nếu noãn bào gặp tinh trùng mang NST X thì trứng thụ tinh sẽ có cặp NST XX, bào thai sẽ là bào thai gái. Nếu noãn bào thụ tinh với tinh trùng mang NST Y thì trứng thụ tinh sẽ có cặp NST XY, bào thai sẽ là bào thai trai. Thời gian noãn tồn tại là 24 - 48 giờ.
2.5.1. Sự thụ tinh
Sau phóng tinh, nhờ sự di động của tinh trùng cùng với sự co bóp của cơ tử cung và vòi trứng dưới tác dụng của prostaglandin, tinh trùng di chuyển qua tử cung đến vòi trứng. Sau mỗi lần giao hợp, tại âm đạo có khoảng nửa tỷ tinh trùng nhưng chỉ có khoảng vài ngàn tinh trùng di chuyển đến được vòi trứng.
Sự thụ tinh thường xảy ra ở khoảng 1/3 ngoài của vòi trứng. Tinh trùng muốn xâm nhập vào trong noãn, trước hết phải xuyên qua được lớp tế bào hạt bao quanh noãn để tiến tới vỏ ngoài của noãn. Sau đó tinh trùng phải gắn và xuyên qua được màng trong suốt. Cơ chế xâm nhập vào noãn của tinh trùng được giải thích như sau:
Khi tinh trùng còn ở trong tinh dịch, có một lượng lớn cholesterol bọc quanh đầu tinh trùng làm bền vững màng bao bọc quanh đầu tinh trùng và ngăn chặn sự giải phóng enzym. Sau khi phóng tinh, tinh trùng di chuyển trong đường sinh dục nữ, lớp cholesterol bọc đầu tinh trùng bị mất, màng tinh trùng trở nên yếu và tăng tính thấm với ion calci. Nồng độ ion calci cao trong bào tương của đầu tinh trùng một mặt làm tăng hoạt động của tinh trùng, mặt khác làm giải phóng các enzym từ đầu tinh trùng.
Đầu tinh trùng dự trữ một lượng lớn hyaluronidase và các enzym thuỷ phân protein. Dưới tác dụng của enzym hyaluronidase, các chất gắn liên kết tế bào hạt bao quanh noãn bị phá huỷ. Sau đó nhờ enzym phân giải protein mà  tinh trùng có thể chọc thủng màng trong suốt của noãn và tiếp cận với lớp vỏ bao quanh noãn. Tại đây có receptor để cố định màng trước của tinh trùng vào lớp vỏ của noãn. Rất nhanh, màng trước của tinh trùng bị tiêu đi, tinh trùng giải phóng enzym và mở đường để xâm nhập vào lòng noãn. Màng của đầu tinh trùng tan ra và vật chất của đầu tinh trùng đã xâm nhập vào noãn gây ra hiện tượng thụ tinh. Trong quá trình thụ tinh, thường chỉ có một tinh trùng xâm nhập vào noãn.
Khi tinh trùng đã lọt vào bào tương của noãn, bào tương của tinh trùng sẽ hoà lẫn với bào tương của noãn. Nhân của noãn được gọi là tiền nhân cái, nhân của tinh trùng được gọi là tiền nhân đực. Do mỗi tiền nhân cái chỉ chứa 1n DNA nên chúng phải tăng lượng DNA lên gấp đôi. Ngay sau đó màng nhân của tiền nhân cái và tiền nhân đực mất đi, các thể nhiễm sắc xoắn lại, ngắn và dày lên. Các thể nhiễm sắc này được giải phóng vào bào tương, sắp xếp lại tạo ra một đường xích đạo cách đều hai cực. Rồi mỗi thể nhiễm sắc con tiến về một cực tế bào. Trên bề mặt trứng xuất hiện một rãnh phân chia ngày càng rõ. Quá trình thụ tinh được thể hiện ở hình 14.12 và 14.13.


1. Tinh trùng đang vượt qua lớp tế bào hạt bao quanh noãn.
2. Tinh trùng đang vượt qua màng trong suốt.
3. Tinh trùng đang vượt qua vỏ tế bào noãn.
4. Đầu tinh trùng đã xâm nhập vào bào tương của noãn
 





Hình 14.12. Sự xâm nhập của tinh trùng vào noãn.





Hình 14.13. Quá trình thụ tinh của noãn

1.      Noãn trưởng thành được bọc bởi màng trong suốt
2.      Tinh trùng chọc thủng màng trong suốt
3.      Tinh trùng chọc thủng màng tế bào noãn để chui vào noãn
4.      Hình thành tiền nhân đực và tiền nhân cái
5.      Tổ chức lại bộ nhiễm sắc thể và bắt đầu phân chia

2.5.2. Trứng đã thụ tinh di chuyển vào buồng tử cung
Sau hiện tượng thụ tinh, trứng phải mất từ 3-4 ngày để di chuyển vào buồng tử cung. Trứng di chuyển được vào tử cung là nhờ dịch vòi trứng, hoạt động của tế bào lông rung ở vòi trứng, tác dụng giãn vòi trứng ở đoạn sát với tử cung của progesteron.
Trong quá trình di chuyển, trứng được nuôi dưỡng bằng dịch của vòi trứng và thực hiện nhiều giai đoạn của quá trình phân chia. Khi tới tử cung trứng đã phân chia và được gọi là phôi bào (blastocyst) với khoảng 100 tế bào.
Vì một lý do nào đó trứng đã thụ tinh không di chuyển vào buồng tử cung (ví dụ do viêm tắc vòi trứng), trứng có thể phát triển ngay tại vòi trứng hoặc rơi vào ổ bụng. Những trường hợp này được gọi là chửa ngoài dạ con. Nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời, phôi phát triển đến một mức nào đó sẽ làm giãn, vỡ gây chảy máu làm nguy hiểm đến tình trạng người mẹ.
2.5.3. Phôi làm tổ và phát triển trong buồng tử cung
Sau khi chạm vào niêm mạc tử cung, phôi thường tiếp tục phát triển trong buồng tử cung từ 1-3 ngày nữa rồi mới gắn vào niêm mạc tử cung. Như vậy sự làm tổ trong niêm mạc tử cùng thường xảy ra vào khoảng ngày thứ 5-7 sau khi phóng noãn và đó cũng là lúc niêm  mạc tử cung được chuẩn bị sẵn sàng để đón phôi vào làm tổ.
Hiện tượng làm tổ được bắt đầu bằng sự phát triển của các tế bào lá nuôi (trophoblast cells) trên bề mặt túi phôi. Những tế bào này bài tiết enzym phân giải protein làm tiêu huỷ các tế bào biểu mô của niêm mạc tử cung đồng thời lấy chất dinh dưỡng bằng hiện tượng thực bào để nuôi phôi. Các tế bào lá nuôi phát triển ăn sâu vào niêm mạc tử cung làm cho túi phôi vùi sâu vào niêm mạc tử cung.
Ngay khi hiện tượng làm tổ xảy ra, các tế bào lá nuôi của phôi và các tế bào niêm mạc tử cung tại chỗ đều tăng sinh nhanh để tạo ra rau thai và các màng thai.
Trong hai tuần đầu, phôi phát triển nhờ chất dinh dưỡng lấy từ dịch niêm mạc tử cung. Sau đó hệ thống mạch máu của bào thai phát triển và nguồn dinh dưỡng nuôi bào thai được lấy từ máu mẹ qua rau thai.
2.5.4. Chức năng của rau thai
Tổng diện tích bề mặt của các tua rau (villi) vào khoảng vài mét vuông (nhỏ hơn nhiều so với tổng diện tích bề mặt của phế nang). Khoảng cách giữa máu mẹ và máu thai chỉ khoảng 3,5mm (gấp 10 lần khoảng cách qua màng phế nang). Nhiều chất dinh dưỡng và các chất khác khuếch tán qua màng rau giống qua thành phế nang và qua thành mao mạch.
Rau thai có ba chức năng quan trọng đó là cung cấp chất dinh dưỡng cho thai, bài tiết các hormon và vận chuyển các sản phẩm chuyển hoá được tạo thành từ thai qua máu mẹ để thải ra ngoài.
2.5.4.1. Cung cấp chất dinh dưỡng
Rau thai là trạm trung gian để cung cấp chất dinh dưỡng cho thai. Sự khuếch tán các chất dinh dưỡng phụ thuộc vào diện tích bề mặt của rau và tính thấm của màng rau.
Trong những tháng đầu màng rau còn dày do chưa được phát triển đầy đủ vì vậy tính thấm còn thấp. Hơn nữa khi đó rau chưa đủ lớn nên diện tích khuếch tán còn bị hạn chế. Những tháng sau, màng rau mỏng hơn, diện tích bề mặt lớn hơn nên tính thấm của màng rau thường tăng gấp bội.
Rất ít khi gặp hiện tượng tổn thương màng rau do đó các tế bào máu của thai không thể qua máu mẹ. Ngược lại cũng hiếm khi các tế bào máu của mẹ chuyển sang máu thai. Hiện tượng này chỉ xảy ra khi màng rau bị tổn thương.
- Khuếch tán oxy qua màng rau
Oxy khuếch tán qua màng rau giống như qua màng phế nang do có sự chênh lệch về P02 giữa máu mẹ và máu thai. Ở những tháng cuối của thời kỳ có thai P02 của máu mẹ là 50 mmHg, P02 của máu thai là 30mmHg. Như vậy chênh lệch P02 giữa máu mẹ và máu con chỉ là 20 mmHg nhưng vẫn cho phép vận chuyển oxy đến các mô của thai.
- Khuếch tán CO2 qua màng rau
CO2 được tạo thành liên tục ở mô thai nhi theo cơ chế giống ở cơ thể mẹ. PCO2 của máu thai cao hơn máu mẹ khoảng 2-3 mmHg. Mặc dù sự chênh lệch về phân áp CO2 giữa máu thai  và máu mẹ rất ít nhưng CO2 vẫn khuếch tán ­ được qua màng rau vì CO2 có khả năng thấm qua màng rau lớn hơn oxy khoảng 20 lần.
- Khuếch tán chất dinh dưỡng qua màng rau
Các chất dinh dưỡng cần cho thai được khuếch tán qua màng rau theo cơ chế giống khuếch tán oxy.
 + Glucose: Thời kỳ cuối, thai thường sử dụng glucose nhiều bằng toàn cơ thể mẹ. Để cung cấp được một lượng lớn glucose cho thai, tế bào lá nuôi lót các múi rau cho glucose thấm qua màng rau bằng cơ chế khuếch tán thuận hoá nhờ các chất tải có ở màng tế bào. Tuy vậy nồng độ glucose ở máu thai vẫn còn thấp hơn máu mẹ 20-30%.
 + Acid béo: Mặc dù tính thấm của acid béo qua màng tế bào cao nhưng tốc độ khuếch tán của acid béo từ máu mẹ sang máu con vẫn chậm hơn glucose.
+ Các ion kali, natri, clo và thể ceton cũng khuếch tán từ máu mẹ sang máu con.
2.5.4.2. Bài tiết các sản phẩm chuyển hoá của thai
Các sản phẩm chuyển hoá của thai như CO2, các nitơ phi protein (urê, acid uric, creatinin) được khuếch tán từ máu con sang máu mẹ qua rau thai. Sự bài tiết các sản phẩm chuyển hoá từ máu thai sang máu mẹ phụ thuộc vào sự chênh lệch nồng độ của các sản phẩm này giữa máu thai và máu mẹ cũng như phụ thuộc vào khả năng khuếch tán của từng chất. Ví dụ urê khuếch tán qua màng rau rất dễ nên mức urê của máu thai chỉ cao hơn máu mẹ một ít. Ngược lại creatinin lại khuếch tán rất khó khăn nên sự chênh lệch giữa máu mẹ và máu thai rất cao.
2.5.4.3. Bài tiết hormon
- HCG (Human Chorionic Gonadotropin)
HCG do các tế bào lá nuôi bài tiết vào máu mẹ. Hormon này có thể được tìm thấy trong máu hoặc nước tiểu của mẹ 8-9 ngày sau khi phóng noãn tức là rất sớm ngay sau khi phôi cấy vào niêm mạc tử cung. Nồng độ hCG tăng trong máu mẹ, cao nhất vào 10-12 tuần sau phóng noãn. Sau đó giảm dần, đến 16-20 tuần nồng độ còn rất thấp và duy trì ở mức này trong suốt thời gian còn lại của thời kỳ có thai.
HCG có bản chất hoá học là glycoprotein, trọng lượng phân tử là 39.000. Cấu trúc và chức năng của hCG rất giống LH do tuyến yên bài tiết.
Tác dụng của hCG như sau:
+ Ngăn cản sự thoái hoá của hoàng thể ở cuối chu kỳ kinh nguyệt.
 + Kích thích hoàng thể bài tiết một lượng lớn progesteron và estrogen trong 3 tháng đầu của thời kỳ có thai. Những hormon này sẽ ngăn cản hiện tượng kinh nguyệt và làm cho niêm mạc tử cung tiếp tục phát triển và dự trữ chất dinh dưỡng tạo điều kiện cho phôi làm tổ và phát triển trong niêm mạc tử cung.
 + Kích thích các tế bào Leydig của tinh hoàn thai nhi bài tiết testosteron cho đến lúc sinh. Lượng testosteron được bài tiết ra tuy ít nhưng rất quan trọng vì nó làm phát triển các cơ quan sinh dục đực và kích thích chuyển tinh hoàn từ ổ bụng xuống bìu vào cuối thời kỳ có thai.
- Estrogen
Estrogen do các tế bào lá nuôi bài tiết, nồng độ tăng dần, vào cuối thời kỳ có thai nồng độ có thể gấp 30 lần so với bình thường. Đặc điểm bài tiết estrogen của rau thai hoàn toàn khác buồng trứng ở chỗ:
+ Hầu như estrogen do rau thai bài tiết là estriol – loại có hoạt tính estrogen rất yếu.
+ Estrogen được bài tiết ở rau thai không được tổng hợp trực tiếp từ cholesterol mà là được chuyển từ androgen có nguồn gốc từ tuyến vỏ thượng thận của mẹ và của thai. Tế bào lá nuôi chỉ là chặng chuyển hoá trung gian để chuyển androgen thành estrogen.
+ Tác dụng của estrogen trong thời kỳ có thai là:
·      Tăng kích thước và trọng lượng cơ tử cung.
·      Phát triển ống tuyến vú và mô đệm.
·      Phát triển đường sinh dục ngoài: Giãn và làm mềm âm đạo, mở rộng lỗ âm đạo.
·      Giãn khớp mu, giãn dây chằng.
·      Tăng tốc độ sinh sản tế bào ở các mô của thai.
Tất cả những tác dụng trên có ý nghĩa quan trọng trong sự phát triển thai và tạo điều kiện dễ dàng cho sự sổ thai.
- Progesteron
Cũng như estrogen, progesteron là một hormon rất quan trọng trong thời kỳ có thai. Progesteron được bài tiết từ hoàng thể trong khoảng 10-12 tuần đầu của thời kỳ có thai, sau đó do rau thai bài tiết với một lượng đáng kể khoảng 0,25 mg/ngày cho tới cuối thời kỳ có thai.
Progesteron có tác dụng đặc biệt quan trọng đó là làm cho quá trình có thai xảy ra bình thường.
  + Làm phát triển tế bào màng rụng ở niêm mạc tử cung. Những tế bào này đóng vai trò quan trọng trong việc nuôi dưỡng bào thai trong thời gian đầu.
  + Giảm co bóp cơ tử cung khi có thai do đó ngăn cản sảy thai.
  + Tăng bài tiết dịch vòi trứng và niêm mạc tử cung để cung cấp chất dinh dưỡng cho phôi.
  + Ảnh hưởng đến quá trình phân chia của trứng đã thụ tinh.
  + Phát triển thuỳ và bọc tuyến vú.
Vì những tác dụng trên, người ta gọi progesteron là hormon dưỡng thai. Vì lý do nào đó mà nồng độ progesteron giảm, sự phát triển của thai sẽ bị ảnh hưởng.
- HCS (Human Chorionic Somatomamotropin)
HCS là một hormon mới được tìm thấy ở rau thai. Bản chất hoá học của HCS là protein với trọng lượng phân tử 38.000.
Hormon này được bài tiết từ rau thai vào tuần thứ 5, nồng độ hormon này trong máu cao hơn gấp nhiều lần so với tổng lượng các hormon khác trong thời kỳ có thai gộp lại.
Tác dụng của HCS như sau:
  + Có tác dụng giống GH nhưng yếu hơn. HCS có công thức hoá học giống GH nhưng để có tác dụng làm phát triển cơ thể thì cần có một lượng nhiều gấp 100 lần hormon GH.
  + Làm giảm tính nhậy cảm của insulin do vậy làm giảm tiêu thụ glucose ở cơ thể mẹ để dành một lượng lớn glucose cho thai sử dụng vì glucose là chất chủ yếu cung cấp năng lượng cho thai phát triển.
  + Kích thích giải phóng acid béo từ mô mỡ dự trữ của mẹ để cung cấp năng lượng cho thai phát triển.
Chính vì những tác dụng trên nên HCS được coi là một hormon chuyển hoá liên quan đến dinh dưỡng đặc biệt cho cả mẹ và thai.
2.5.5. Những đáp ứng của cơ thể người mẹ khi có thai
2.5.5.1. Bài tiết hormon
Trong thời kỳ có thai, ngoài các hormon do rau thai bài tiết, người mẹ cũng có những thay đổi về hoạt động của hệ thống nội tiết để một mặt tăng cường chuyển hoá trong cơ thể mẹ với mục đích cung cấp chất dinh dưỡng nuôi thai, mặt khác phát triển cơ thể mẹ, chuẩn bị cho khả năng sinh con và nuôi con.
- Tuyến yên: Trong khi có thai, tuyến yên người mẹ to gấp rưỡi so với bình thường. Tuyến yên tăng bài tiết một số hormon như ACTH, TSH, PRL; ngược lại  giảm bài tiết FSH, LH.
- Cortisol: Được bài tiết nhiều để tăng vận chuyển acid amin từ mẹ sang thai.
- Aldosteron: Nồng độ tăng gấp đôi bình thường và cao nhất vào thời gian cuối của thời kỳ có thai. Aldosteron cùng với estrogen làm tăng tái hấp thu ion natri ở ống thận và kéo theo nước do đó làm tăng huyết áp.
- T3 -T4: Tuyến giáp của người có thai to gấp rưỡi người bình thường và tăng bài tiết    T3 -T4. Nồng độ T3 -T4 tăng một phần do tác dụng kích thích tuyến giáp của hCG, phần khác do một ít hormon kích thích tuyến giáp được bài tiết từ rau thai (Human Chorionic Thyrotropin).
- Parathormon: Tuyến cận giáp ở người có thai cũng to hơn bình thường và tăng bài tiết PTH. Hiện tượng này đặc biệt xảy ra mạnh ở những người mẹ thiếu calci trong chế độ ăn. Lượng PTH tăng đã làm tăng quá trình hủy xương ở người mẹ nhằm mục đích duy trì nồng độ ion calci ở dịch ngoại bào vì thai luôn lấy calci để tạo xương.
- Relaxin: Relaxin do hoàng thể và rau thai bài tiết. Bản chất hoá học của relaxin là polypeptid với trọng lượng phân tử là 9.000.
  + Tác dụng của relaxin là làm giãn dây chằng khớp mu ở lợn và chuột động dục. Ở người tác dụng này chủ yếu là do estrogen đảm nhận.
  + Làm mềm cổ tử cung của phụ nữ lúc sinh con.
2.5.5.2. Phát triển các cơ quan sinh dục
Do tăng bài tiết các hormon nên kích thước các cơ quan sinh dục thay đổi. Trọng lượng tử cung tăng từ 50 gam lúc bình thường lên 1.100 gam khi có thai. Tuyến vú to gấp đôi. Âm đạo rộng hơn, lỗ âm đạo mở to hơn.
2.5.5.3. Tuần hoàn của mẹ
- Tăng lưu lượng tim: Trong những tháng cuối lưu lượng tim tăng hơn bình thường 30% - 40% do tăng chuyển hoá.
- Tăng lưu lượng máu khoảng 30%. Nguyên nhân chủ yếu là do tăng nồng độ aldosteron, estrogen. Ngoài ra còn do tuỷ xương tăng sản xuất hồng cầu. Vào thời điểm sổ thai lượng máu của mẹ tăng 1-2 lít nhưng chỉ 1/4 lượng này mất đi khi đẻ.


2.5.5.4. Hô hấp của mẹ
Do tăng trọng lượng cơ thể, tăng chuyển hoá nên mức tiêu thụ oxy cũng tăng . Ngay trước khi sinh, mức tiêu thụ oxy tăng khoảng 20%, lượng CO2 cũng tăng do đó tăng thông khí. Ngoài ra do tăng progesteron nên tính nhậy cảm của trung tâm hô hấp với CO2 cũng tăng. Kết quả của những thay đổi này đều làm tăng thông khí. Một lý do khác nữa cũng góp phần làm tăng thông khí đó là do tử cung tăng kích thước đẩy cơ hoành lên làm khó khăn cho việc thay đổi kích thước phổi.
2.5.5.5. Tăng trọng lượng cơ thể và dinh dưỡng trong thời kỳ có thai
Vào tháng cuối của thời kỳ có thai, trọng lượng cơ thể mẹ có thể tăng tới 12kg trong đó trọng lượng thai khoảng 3kg, 2kg dịch và rau, 1 kg tử cung, 1 kg tuyến vú, dịch ngoại bào 3 kg, mỡ 1-2kg.
Trong thời kỳ có thai nhu cầu dinh dưỡng tăng vì cần phải cung cấp chất dinh dưỡng cho cả mẹ và thai đặc biệt trong 3 tháng cuối vì thai lớn nhanh trong thời gian này. Thông thường trong những tháng này cho dù tăng dinh dưỡng, người mẹ cũng không thể thu thập đủ chất dinh dưỡng qua đường tiêu hoá. Tuy nhiên, trong những tháng đầu của thời kỳ có thai, người mẹ đã có một lượng chất dinh dưỡng nhất định dự trữ ở rau thai và nhất là ở các kho dự trữ của mẹ.
Các chất dinh dưỡng cần thiết trong thời kỳ này là protein, glucid, lipid đặc biệt là calci, phosphat, sắt, vitamin như vitamin D, vitamin K. Nếu cung cấp không đủ chất dinh dưỡng, thai sẽ kém phát triển và gây thiếu hụt dinh dưỡng ở mẹ.
2.6. Sổ thai
Sổ thai hiểu theo nghĩa đơn giản là quá trình sinh đứa bé.
Thai phát triển trong tử cung từ 270 - 290 ngày. Vào cuối thời kỳ có thai, tử cung ở trong trạng thái bị kích thích. Đến cuối thời kỳ này, tử cung bắt đầu có những cơn co. Chính nhờ những cơn co này mà thai và rau được sổ ra ngoài.
2.6.1. Nguyên nhân gây cơn co tử cung
Nguyên nhân chính xác làm tăng co bóp tử cung trong thời điểm này vẫn chưa rõ. Tuy nhiên người ta cho rằng ít nhất cũng có hai nguyên nhân gây co cơ tử cung, đó là những thay đổi về nồng độ hormon và những thay đổi về cơ học.
2.6.1.1. Vai trò của hormon
- Tỷ lệ giữa estrogen và progesteron
Progesteron ức chế co cơ tử cung trong thời kỳ có thai giúp cho thai yên ổn phát triển trong tử cung. Ngược lại estrogen lại làm tăng co cơ tử cung. Cả hai hormon này đều được bài tiết tăng dần trong thời kỳ có thai. Tuy nhiên từ tháng thứ 7 trong khi estrogen tiếp tục tăng thì progesteron không tăng hoặc có khi còn  giảm và người ta cho rằng sự thay đổi tỷ lệ giữa hai hormon này đã làm tăng co cơ tử cung.
- Tác dụng của oxytocin
Oxytoxin do vùng dưới đồi bài tiết ra có tác dụng tăng co cơ tử cung. Hơn nữa vào lúc này nồng độ estrogen tăng cao càng làm tăng tính nhậy cảm của cơ tử cung với oxytocin. Có hai bằng chứng để nói rằng oxytocin cần thiết  cho giai đoạn sổ thai:
  + Số lượng receptor tiếp nhận oxytocin trong cơ tử cung tăng trong vài tháng cuối của thời kỳ có thai.
  + Nồng độ oxytocin không phải là yếu tố quyết định cuộc đẻ nhưng nếu thiếu oxytocin, cuộc đẻ sẽ kéo dài.
2.6.1.2. Vai trò của các yếu tố cơ học
- Căng cơ tử cung: Thông thường khi các sợi cơ trơn bị kéo căng ra sẽ có xu hướng co lại. Trong trường hợp này do thai lớn lên đồng thời tăng vận động vào cuối thời kỳ có thai nên cơ tử cung bị kéo căng đến mức tối đa. Chính sự căng cơ đã kích thích cơ tử cung co.
- Căng cổ tử cung: Cổ tử cung bị căng hoặc bị kích thích là yếu tố rất quan trọng gây co cơ tử cung. Khi màng ối rách, đầu đứa trẻ thúc xuống cổ tử cung với lực đủ mạnh sẽ kích thích cơ tử cung. Cổ tử cung bị kích thích sẽ gây tác dụng điều hoà ngược dương tính lên phần thân tử cung làm cơn co của thân tử cung càng mạnh hơn.
2.6.2. Sổ thai
Trong lúc sổ thai, cơn co tử cung bắt đầu từ đáy tử cung rồi chuyển xuống thân tử cung. Cường độ co mạnh ở đáy và thân tử cung nhưng yếu dần khi đến vùng tiếp giáp giữa thân và cổ tử cung. Vì vậy mỗi nhịp co của cơ tử cung, thai có xu hướng được đẩy xuống cổ tử cung.
Vào lúc bắt đầu chuyển dạ, cứ 30 phút cơn co xuất hiện một lần. Sau đó dần dần cơn co dày hơn (1-3 phút một lần) và mạnh hơn.
Trong lúc sổ thai, cơ chế điều hoà ngược dương tính từ cổ tử cung lên đáy và thân tử cung có ý nghĩa rất quan trọng. Chính nhờ cơ chế này mà cơn co tử cung ngày càng dày và mạnh theo hướng từ đáy đến thân và cổ tử cung, tạo một lực đẩy đứa trẻ ra ngoài.
Động tác rặn trong lúc đẻ gây co cơ thành bụng dồn phủ tạng ép vào đáy tử cung cũng có tác dụng tạo lực đẩy đứa trẻ ra ngoài.
Chính vì cơ tử cung co ép vào mạch máu  gây tình trạng thiếu máu, thiếu oxy kếp hợp với sự căng cổ tử cung, căng phúc mạc, căng thành âm đạo đã gây đau đớn cho người phụ nữ khi đẻ.
2.7. Bài tiết sữa
2.7.1. Sự phát triển tuyến vú
Tuyến vú bắt đầu phát triển từ tuổi dậy thì dưới tác dụng của estrogen và progesteron. Hai hormon này kích thích phát triển ống tuyến, thuỳ tuyến, bọc tuyến, mô đệm và lớp mỡ.
Ngoài hai hormon buồng trứng, các hormon khác như GH, prolactin, hormon vỏ thượng thận, insulin cũng tham gia kích thích phát triển ống tuyến vú.
2.7.2. Bài tiết sữa
Nồng độ prolactin trong thời kỳ có thai cao gấp 10 lần so với bình thường. Thêm vào đó rau thai bài tiết HCS. Hai hormon này phối hợp kích thích nang tuyến sữa bài tiết sữa.
Trong khi có thai, do tác dụng ức chế của estrogen và progesteron nên mỗi ngày tuyến sữa chỉ bài tiết vài mililit cho tới lúc đẻ. Sữa được bài tiết vài ngày đến vài tuần trước khi đẻ được gọi là sữa non. Sữa này có thành phần giống sữa sau khi sinh con nhưng lượng lipid ít hơn.
Ngay sau khi đẻ, estrogen giảm nên đã làm tăng tác dụng bài tiết sữa của prolactin.
2.7.3. Bài xuất sữa
Sữa được bài tiết dưới tác dụng của prolactin vẫn nằm trong bọc tuyến. Dưới tác dụng của oxytocin do vùng dưới đồi bài tiết, sữa được đẩy vào ống tuyến. Khi đứa trẻ bú, sữa từ ống tuyến sẽ chảy vào miệng đứa trẻ. Tác dụng cụ thể của oxytocin đã được trình bày ở bài 13 (xem  mục các hormon thuỳ sau tuyến yên).
Chính động tác mút núm vú của đứa trẻ sẽ tạo xung động truyền về vùng dưới đồi và thuỳ sau tuyến yên gây bài tiết oxytocin. Bởi vậy ngay sau khi sinh người mẹ cần cho con bú ngay. Việc cho bú sớm sẽ làm tăng bài tiết oxytocin để một mặt kích thích bài tiết sữa, mặt khác giúp co hồi tử cung sau đẻ nhanh hơn.
Sự bài tiết oxytocin còn chịu ảnh hưởng của các yếu tố tâm lý, cảm xúc. Vuốt ve âu yếm con, nghe tiếng con khóc đều gây những tín hiệu cảm xúc truyền về vùng dưới đồi làm tăng bài xuất sữa. Trái lại những kích thích giao cảm mạnh, căng thẳng kéo dài sẽ ức chế bài xuất sữa.
2.7.4. Thành phần và tính ưu việt của sữa mẹ
So với sữa bò, sữa mẹ có thành phần lactose cao hơn khoảng 50% nhưng lượng protein lại thấp hơn 2-3 lần. Lượng calci và các ion khác trong sữa mẹ chỉ bằng 1/3 trong sữa bò. Trong sữa mẹ có một thành phần rất quan trọng đó là kháng thể do vậy những đứa trẻ bú mẹ thường có sức đề kháng cao hơn những đứa trẻ ăn sữa bò.
Mỗi ngày lượng sữa mẹ được sản xuất khoảng 1,5 lít. Với lượng sữa được sản xuất hàng ngày lớn như vậy, một lượng lớn chất dinh dưỡng bị rút khỏi cơ thể mẹ để đưa vào sữa: 50 g mỡ, 100 g lactose. 2-3 g calci phosphat. Bởi vậy trong thời kỳ nuôi con, nếu không cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho người mẹ thì ảnh hưởng đến sự phát triển của con và sức khoẻ của người mẹ.
2.8. Các biện pháp phòng tránh thai
Mang thai là kết quả của ba quá trình: Thụ tinh, trứng đã thụ tinh thực hiện sự phân chia và di chuyển từ vòi trứng vào buồng tử cung, trứng làm tổ và phát triển trong buồng tử cung. Do vậy muốn phòng tránh thai cần can thiệp vào một trong ba quá trình trên.
Hiện nay có rất nhiều biện pháp phòng tránh thai nhưng nhìn chung các biện pháp này đều can thiệp vào giai đoạn thụ tinh và làm tổ của trứng trong niêm mạc tử cung. Các biện pháp cơ học hoặc hoá học đều nhằm mục đích ngăn cản phóng noãn, không cho noãn di chuyển vào vòi trứng, không cho tinh trùng vào đường sinh dục nữ hoặc nếu trứng đã thụ tinh thì ngăn cản hiện tượng gắn và làm tổ trong niêm mạc tử cung. Những biện pháp này hầu hết đều can thiệp vào quá trình thụ tinh. Biện pháp can thiệp vào quá trình làm tổ trong niêm mạc tử cung là dụng cụ tử cung.
Trong các biện pháp phòng tránh thai, có những biện pháp chỉ có tác dụng tránh thai tạm thời trong khi đang sử dụng. Ngừng sử dụng, cặp vợ chồng lại có khả năng sinh con. Trái lại có những biện pháp ngăn cản sinh con vĩnh viễn nên được gọi là biện pháp triệt sản.
2.8.1. Các biện pháp tránh thai tạm thời
- Dùng thuốc tránh thai
Viên thuốc kết hợp : Viên thuốc gồm 2 thành phần là estrogen và progestin trong đó progestin là thành phần chủ yếu. Thuốc được đóng trong vỉ 28 viên, trong đó 21 viên có thành phần thuốc tránh thai với hàm lượng giống nhau, 7 viên còn lại không chứa thuốc tránh thai.
Tác dụng chủ yếu của loại thuốc này là ức chế tuyến yên bài tiết FSH và LH do đó ức chế phóng noãn. Ngoài ra viên thuốc kết hợp còn có tác dụng làm tiết dịch nhầy cổ tử cung ít và đặc đồng thời niêm mạc tử cung biến đổi thành niêm mạc chế tiết giả. Loại thuốc này có hiệu quả tránh thai cao. Tuy nhiên với cách dùng liên tục hàng ngày cũng gây phiền phức cho người sử dụng, đặc biệt với phụ nữ nông thôn.
- Viên progestin liều thấp:
Loại này có tác dụng tránh thai không phải do ức chế phóng noãn mà do làm giảm tiết dịch nhày tử cung, ngăn cản tinh trùng di chuyển vào trong tử cung. Đồng thời nó cũng có tác dụng làm teo mỏng niêm mạc tử cung do vậy ảnh hưởng đến quá trình làm tổ trong niêm mạc tử cung.
- Viên thuốc khẩn cấp: Thành phần chủ yếu của thuốc là ethyl estrogen (EE) liều cao 50mg/ngày. Uống ngay trong vòng 48 giờ sau giao hợp. Uống 5 ngày liền. Tác dụng của loại thuốc này là gây phù nề mô đệm, làm cho các tuyến không có khả năng chế tiết do đó ngăn cản quá trình làm tổ ở niêm mạc tử cung. Loại thuốc này được dùng trong trường hợp giao hợp không được bảo vệ, giao hợp không đồng tình.
- Ngoài các loại thuốc tránh thai thường dùng theo đường uống, còn có loại dùng theo đường tiêm bắp hoặc cấy dưới da. Tùy từng loại mà có chỉ định và liều dùng thích hợp.
- GnRH tổng hợp: GnRH là hormon của vùng dưới đồi, có tác dụng kích thích tuyến yên bài tiết FSH và LH do đó thường được dùng để chữa vô sinh do nguyên nhân không phóng noãn. Với liều thích hợp, GnRH tổng hợp lại có tác dụng ngược lại là ức chế phóng noãn. Hiện nay người ta đã tổng hợp được hàng ngàn loại GnRH có tác dụng tránh thai cao nhưng lại ít có các tác dụng phụ của loại thuốc tránh thai steroid.
- Tránh giao hợp vào ngày phóng noãn: Dựa vào khoảng thời gian cố định từ lúc phóng noãn đến ngày có kinh đầu tiên của chu kỳ kế tiếp vào khoảng 14 ngày, ta có thể tính được ngày phóng noãn. Hai tác giả Kyusaku Ogino và Hermann Knaus đã đưa ra phương pháp tính vòng kinh để xác định thời gian "an toàn" là khoảng thời gian chắc chắn không có hiện tượng phóng noãn (hình 14.14). Với cách tính này, thời gian an toàn là khoảng 1 tuần trước ngày có kinh lần sau.
Phương pháp này không gây phiền phức nhưng chỉ an toàn với những người có chu kỳ kinh nguyệt đều và cặp vợ chồng luôn sống gần nhau.

- Biện pháp cơ học cho nam giới như dùng bao cao su, xuất tinh ngoài âm đạo đặc biệt phương pháp dùng bao cao su  vừa tránh thai vừa phòng tránh lây nhiễm các bệnh qua đường sinh hoạt tình dục như bệnh lậu, giang mai, nhiễm HIV/AIDS, viêm gan virus.
- Dùng dụng cụ cho nữ giới như màng ngăn âm đạo, mũ tử cung.
- Dụng cụ tử cung: Dụng cụ tử cung mà trước đây thường được gọi là vòng tránh thai là những dụng cụ làm bằng ...


LINK TẢI BẢN ĐỌC ĐẦY ĐỦ: http://shink.in/v2wFI

CÁCH DOWNLOAD: CLICK VÀO  LINK Ở TRÊN SAU ĐÓ CLICK VÀO Ô "TÔI KHÔNG PHẢI LÀ NGƯỜI MÁY" VÀ TRẢ LỜI 1 CÂU HỎI RỒI CHỜ 3s VÀ BẤM VÀO Ô "GET LINK" VÀI LẦN ĐỂ TẢI VỀ




LINK TẢI BẢN ĐỌC ĐẦY ĐỦ:  http://adf.ly/1ff2nK  http://ouo.io/KsqE6m

0 nhận xét:

Post a Comment